Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Phương pháp luyện chào mào bổi thành mồi


Sau khi đã có chú chim thuần chơi tốt, các bạn đã có thể thỏa chí cùng anh chị em tham gia cafe, cội chim để dợt dãi, chiêm nghiệm, thưởng thức. Nhưng cái đỉnh của Thú chơi đâu đã hết! Cái đỉnh thú vị nhất của nghề chơi là được cùng Chú chim của mình ngao du Sơn Thủy chinh phục chim trời. Đó là cái thú chơi Mồi Lồng. 

Công việc đầu tiên khi ta muốn huấn luyện cho một chú chào mào bổi thành mồi là lựa chọn được những chú chào mào có nhiều triển vọng. Tiêu chuẩn để chọn một chú có tương lai sẽ trở thành một chú mồi tốt theo kinh nghiệm của những người đi trước thì hình thức không phải là yếu tố chủ đạo trong mục tiêu chọn lựa, mà điều cốt yếu là chú chim phải mau mỏ ( hót nhiều để sau này khi ra rừng chú ta sẽ hót cả ngày để dụ bổi ) nhanh nhẹn và "đầu gấu" - tức là những chú chim bổi khi kê gần chim mồi nhà cũng không sợ mà vẫn bu lồng đòi chiến, những chú chim như thế khi ra rừng sẽ không sợ một chú chim nào, kể cả những chú chim trận già rừng. 

Khi chọn được những chú như thế thì hình thức của chúng mới được xem đến, lúc này nếu được những chú cao to, dài đòn hình dáng oai vệ mũ cao má đỏ to thì không còn gì bằng. Theo như em biết thì khi muốn huấn luyện mồi thì người ta không nuôi từ chim non lên vì như thế rất mất thời gian (để thành mồi với một chú chim non thì công đoạn chăm sóc và huấn luyện phải gấp 2 đến 3 lần so với chim bổi có 2-3 mùa rừng) trong khi đó khi thành mồi chú chim này cũng khó có thể hay và chơi bền như chim già rừng huấn luyện lên. 

Sau công việc chọn lựa là công việc thuần hóa và nuôi dưỡng, với chế độ ép thuần hợp lý không làm chim bị hoảng mà bể chim, để chim chỗ đông người và bỏ áo lồng từ từ , tránh chim nhảy nhiều mà có khả năng chim mất móng mà phí chú chim hay. 

Thời gian này chế độ dinh dưỡng tốt + mồi tươi + hoa quả năng cao thể lực và thể trạng cho chim và cho chim tắm táp thường xuyên giúp chim đẹp mướt lông lá, tránh bọ mạt. Chẳng những sức khỏe tốt mà qua đó chim cũng nhanh dạn người hơn.Trong quá trình này ta nên chăm treo chim nhiều chỗ khác nhau trong nhà nhằm cho chim quen với những chỗ treo lạ và sự di chuyển, khoảng được 7-8 tháng ta có thể cho chim đi dợt cho chim học hỏi chim khác và tạo sự tự tin, bản lĩnh khi gặp chim khác . 


Sau 1 mùa lồng chú chim của ta lúc này đã thuần hơn , khi ta đến gần cũng không còn nhảy lung tung nữa và cũng đã ra giọng nhiều thì ta bắt đầu công đoạn huấn luyện của mình, đây là giai đoạn cần đầu tư thời gian nhiều nhất,lúc này nếu có thể liên hệ với anh em mượn được chim mồi hay thì vô cùng quý, nếu không có thì phải chịu khó rủ anh em có chim mồi hay đi bẫy để qua đó mà mang chú chim của mình đi học việc, khi mang chim đi bẫy thì những lần đầu tiên ta phải bao phủ thật kín lồng bẫy( cái này để tránh cho chim rừng thấy chim mồi học việc của ta mà bay vào đấu , chú chim của ta tuy đã chọn kĩ là một chú khá gấu nhưng chưa thật quen trong lồng nên khi gặp phải chim trận già rừng vào đấu rất dễ bị bể.) lụp bẫy chỉ để hở một chút nhỏ đủ để cho chim học việc thấy được chim mồi già đấu và dụ chim rừng , sau một thời gian ta có thể để chim học việc cách xa chim mồi già và đấu với chim rừng......... khi chim học việc dụ và bẫy được chú chim rừng đầu tiên lúc này các bác phải để ý nếu chú chim đó là chim má trắng hoặc là chú chim khá nhát ( cái này qua cách đấu của chú chim rừng mà các bác phán đoán được chú này dữ hoặc nhát ) thì các bác cứ để chú chim rừng nằm trong lục bẫy để chú chim học việc củng cố thêm độ tự tin...... 
Nếu những lần bẫy đầu tiên mà gặp phải chú chim già rừng dữ thì nên hạ chim học việc xuống để hôm khác sẽ bẫy nơi khác ...... cứ như thế sau khoảng 3 năm chúng ta sẽ có một chú mồi khá tốt mà ta rất hiểu về chú.

Bổ Sung thêm trong công tác huấn luyện chào mào mồi , khi đi bẫy xa để tiện lợi cho việc treo lụp bẫy ở những chỗ lý tưởng hơn ngoài việc sử dụng tay để treo , anh em còn sử dụng dây cước để quăng treo lụp bẫy lên thật cao , những cách này đều không có gì để phải bận tâm . 

Việc sử dụng sào treo , đặc biệt là sào rút thì tiện lợi hơn cả , tuy nhiên khi sử dụng loại sào này ta phải có bước chuẩn bị và huấn luyện song song với việc huấn luyện từ bổi thành mồi , mục dích để chú mồi sau này chinh chiến xa trường thật sự quen với sào . 

Có những chú mồi chiến , chinh chiến mấy năm trời không ngại gian khổ , vất vả nhưng do chưa từng sử dụng loại sào này khi đi bẫy , không quen với sào khi chúng ta sử dụng sẽ khiến chào mào mồi hoảng sợ nhẩy tung mặt trong lồng bẫy ( đặc biệt xẩy ra khi anh em sử dụng bằng lồng bẫy inox , chú chào mào khi thấy sào móc vào lồng những tưởng bị xua đánh hoảng sợ nhẩy tung lồng + những chấn thương như vỡ mặt do lồng bẫy gây ra sẽ khiến chào mào hoảng trở lại và đâm ra sợ lồng bẫy , sau này rất khó cho chú ta sang lồng bẫy trở lại và cho dù có cố cho sang thì chú chào mào của ta không còn đủ độ tự tin khi ở trong lồng bẫy nữa, cách huấn luyện cũng khá đơn giản , khi bắt đầu thuần chim các bác phải thửa luôn cái sào , trong quá trình thuần các bác cứ dể cái sào gần lồng cho chim quen với sào , thỉnh thoảng các bác qua lại lấy sào khua khua tạo động và cũng tạo cho chào mào quen với hình ảnh mình cầm sào mà không gây nguy hiểm gì cho chú ta , cầm sào khua khua suốt thì cũng ngại phải không ạ .... có cách đây ... để cho chào mào quen với sự chuyển động của sào các bác buộc sợi dây thun ( loại co giãn nhiều ) buộc một đầu vào sào , một đầu buộc lên dây treo sát cạch lồng , sau đó ta kéo xuống cho giãn day thun và thả ra ... sào sẽ nẩy tưng tưng và thời gian sào chuyển động cũng khá lâu khiến cho ta đỡ mệt hơn , tuy nhiên điều này cũng không thể có hiệu quả bằng khi ta rỗi ngồi chơi với chào mào và chăm sóc nó lúc nào cũng có cái sào ở bên và thỉnh thoảng ta khua khua sát lồng và sử dụng hàng ngày để treo lồng (ngay cả khi ta có thể với tay treo lồng thì ta cũng nên sử dụng sào treo cho chim quen ) .. khi chào mào thuần thì việc đi bẫy với sào rút không còn là vấn đề lo ngại nữa !!!!!!!!!!!!!!!!!!!


Đó là vấn đề Mồi Trống ! Và đây giờ Em Chào Mào mái cũng có chỗ đứng của mình Việc đầu tiên có thể khẳng định là những lão làng chơi chào mào , đặc biệt là ưa chơi mồi để đi đánh vẫn có những bác , những Ông có ghém lại cho mình một em Mồi Mái ! Thứ nhất là để chơi cho biết mái , sau để thúc những chú chim trống căng hơn và chơi hết bài bản của hắn hơn ... và cuối cùng sau khi đưa ra rừng thử nghiệm... các Bác , các Ông đã thấy được sự cần thiết của của một Em Mái khi ra rừng ...hi..hi..và từ đó mà huấn luyện thành MỒI . 

Việc trước tiên là lựa được em Mái có hình dáng thật đẹp nhất có thể , Giọng chuông trong trẻo và vang ... và cần nhất cũng như Mồi Trống là khả năng mau mồm mau miệng. Việc luyện thành mồi mái thì cũng đơn giản hơn Mồi trống khá nhiều , bởi Trống phải rèn luyện và chú trọng để ý hơn đến nước Gọi, đấu và Dụ . 

Nếu Mất 1 trong 2 nước là Gọi _DỤ thì nên sa thải để tìm em khác huấn luyện nên , vì có luyện một em như thế lên Mồi thì là Một chú Mồi không hay , kém nước ...do đó chắc chắn là không thể sát bổi rồi và khó có thể thu phục được bổi hay . Mái đơn giản hơn bởi chỉ cần nước Gọi , mau mỏ và chất giọng chuẩn là Ok . Các bước cũng phải tương tự như ép thuần , mang đi nhiều nơi để dợt cho quen không lạ nơi , lạ chỗ khác , lạ Chim Trống khác . 

Quá trình dợt thỉnh thoảng kê sáp Lồng các chú chim Trống khác nhau để xem thái độ em nó , cũng như xem Nước DỤ ( cái này gọi là ve vãn đó ). Nếu kê sáp lồng thấy đa phần chim Trống sáp gần Múa là Ok rồi ! Không phải Chim mồi mái chỉ có thể đánh được những chú trống tơ , chim trống không hay và chim Mái . Vì mình đã được tận mắt xem đánh 2 lần trong 1 ngày ! 1lần chỉ có Chim Mồi nhà( mồi trống ) đấu với Chim Trận trời từ sáng sớm mãi đến trưa mà chim trời không Đá , sau đó chim trời bay mất và đến khoảng gần 14h nó lại về đấu mà không đá . Sau đó Ông chạy về nhà lấy chim Mái ra móc gần Chim mồi nhà thì nó sập lồng chim mái vào lúc đó khoảng gần 5h. Chú chim đó giờ đang là mồi Cứng khá hay của Ông .(Hi..hi... biết tính Cụ rồi nên không Gạ gẫm bao giờ ).

Theo Ông kể lại thì thông thường Chim Trời sẽ đá Mồi Trống để đuổi dành lấy chim mái nhưng trong trường hợp này nó quá khôn và đã thuộc mặt Mòi Trống nhà nên không đá trống mà quay sang áp Mái . Tuy nhiên cũng có cái Thời Điểm mới có thể sửa dụng Mồi Mái để có được Bổi Hay hoặc thậm chí chim Trận già . Đó là cái thời điểm Chim vẫn còn đi đàn và sắp đến thời gian chim tìm thấy bạn tình để tách đôi . Thời điểm này kết hợp Mồi Trống và Mồi Mái đánh rất Trúng . Ngoài thời điểm này rất khó dùng mồi mái đánh được Chim trống trời . Họa hoằn lắm mới đánh được chim Mái trời á chớ. Cũng chính vì lý do như vậy mà Mồi Mái rất ít được giới chơi chim lưu ý! Bởi thời điểm đánh ngắn và phải tinh tế lắm mới nhận ra , không thì phải mất thời gian đi liên tục vào thời điểm này . Mặc Dù khi ra Trận có cả mồi Trống và Mồi Mái xem Chim Trời đấu rất đã con mắt.


Giờ nói đến cái tật đầu tiên của Chào mào khi bắt về thuần dưỡng ! Đó là cái Tật ngoái lộn nếu như chúng ta thuần không đúng cách ! Cái tật khi đã hình thành thì rất khó chữa và gây khó chịu khá nhiều cho người nuôi đồng thời làm giảm giá trị chú chim thấy rõ ! 

Những nghệ nhân chơi chim , nếu không phải là một chú chim có Chất Giong và phong cách chơi quá xuất sắc thì những chú có tật ngoái lộn sẽ không có cơ hội hiện hữu trong nhà , ngoài sân. Chim khi mới bẫy về thường rất nhát và cũng như bao loài chim khác ! lúc này chúng rất dễ sinh tật khi làm quen với môi trường nuôi nhốt ! Chim thường nhát nên hay có biểu hiện ngó nghiêng tìm đường lẩn trốn ! Chúng nhẩy cao bám vào vanh Lồng đoạn cong giáp Đỉnh ! lúc này chim thường xoay cổ tìm các hướng để trốn chạy do phần cổ , đầu rúc sát phần nan này và bị ép phải quay ngược lại hoặc sang hai bên . 

Ngày qua ngày sẽ sinh tật ngoái cổ rất khó chữa ! Tật Lộn thì xác xuất có ít hơn chút so với tật ngoái ! Thông thường những bạn mới chơi khi bắt chim về thường được nhận những lời khuyên nhốt thuần chim trong Lồng nhỏ , chào mào sẽ nhanh thuần hơn ! tuy nhiên lúc này chim nhát , được nuôi trong lồng nhỏ khiến phạm vi nhẩy hoảng của chúng bó gọn lại ! Chim dể nhẩy bám ngược nóc Lồng và lộn ngược xuống cầu ! lâu ngày trở thành tật Lộn cầu của chim ! 

Những Tật này ta có thể khắc phục tốt trong 1 năm đầu tiên trong lồng của chim ! Chim mới bẫy về nên có khoảng thời gian nuôi thuần ít nhất 3-4 tháng trong Lồng trung bình có đường kính 32 chào mào và cao 60 chào mào ! Trùm kín áo lồng trong giai đoạn đầu để chim quen với khung cảnh và môi trường sống mới khoảng 3-4 tháng ! Sau đó áo Lồng sẽ được vén theo chiều từ dưới lên 1/4 khoảng 1 tháng , 1/3 khoảng 1 tháng nữa , 1/2 khoảng 1 tháng tiếp theo và 3/4 áo lồng đến khi chim tương đối thuần và đứng lồng ! 

Như vậy sẽ hạn chế rất nhiều khả năng sinh tật của chim ! Quan trọng nhất là việc thuần dưỡng phải kiên nhẫn , từ từ và nhẹ nhàng ! Chúng ta sẽ hạn chế tối đa được khả năng phát sinh tật này!
Chúc anh em thành công

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Bồ câu pháp có trong danh sách đội quân gián điệp

Tại Ai Cập, năm 2010, một chuyên gia sinh học hải dương Ai Cập đã khiến dư luận quan tâm khi tuyên bố rằng Israel đã cử một chú cá mập gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS đến vùng biển ngoài khơi khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng trên bán đảo Sinai của Ai Cập để thực hiện hàng loạt vụ tấn công du khách, khiến một du khách thiệt mạng và một số người bị thương.



Chú chim bồ câu bị bắt tại Ấn Độ tháng 7/2015, bị cho là "gián điệp của Pakistan".
Vị chuyên gia sinh học này đặt câu hỏi: "Tại sao con cá mập này đi một đoạn đường dài 4.000 km mà không gây ra bất kỳ vụ tấn công nào cho đến khi nó đến đây?". Câu chuyện được “nêm thêm gia vị” khi vị thống đốc khu vực Sinai đưa ra giả thuyết: con cá mập ấy là "gián điệp" do MOSSAD cử đến để “đuổi” du khách đi khỏi vùng biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Israel khi đó phản bác lại rằng, câu chuyện sặc mùi phim "Hàm cá mập". Vài năm sau vụ "cá mập gián điệp", lại xảy ra chuyện một con chim hạc trắng bị bắt giam do tình nghi được MOSSAD phái đến do thám tình hình Ai Cập. Con hạc được thả ra ngay sau đó, nhưng ít hôm sau đã bị "thịt".

Năm 2012, một ngôi làng nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng lên cơn sốt sau khi phát hiện một chú chim bị chết, trên mình có gắn thẻ ghi mã số kèm với chữ "Israel". Cơ quan Phản gián Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc điều tra và sau cùng kết luận cái thẻ gắn trên mình con chim chỉ nhằm mục đích theo dõi tập quán di trú của loài chim này. Ngôi làng nhờ thế trở lại bình yên. Tuy nhiên, một năm sau, câu chuyện lại rộ lên khi một con chim cắt cũng mang một chiếc thẻ tương tự bị bắt ở một ngôi làng khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, các chuyên gia y tế vào cuộc, chiếu X-quang con chim cắt và kết luận con chim là "gián điệp Israel". Sau đó, các chuyên gia lại cho rằng con chim không gây hại gì, cho nên nó đã được phóng thích.

Theo Báo an ninh

Ý tưởng làm giàu từ nuôi bồ câu pháp

Thất bại với giống bồ câu sẻ, anh Sơn kiên trì tìm tòi thử nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật để bén duyên với bồ câu Pháp.
Biết đến công việc nuôi chim bồ câu từ nhỏ, nên anh Ngô Tùng Sơn ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) nhanh chóng gắn bó với chúng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sơn kể, vì là hộ đầu tiên thử nghiệm nuôi chim bồ câu nên gia đình anh rất băn khoăn về việc chọn giống. Cuối cùng, sau quá trình dài tìm hiểu, Sơn chọn nuôi giống bồ câu sẻ vì đây là loại khá hiếm trên thị trường.

Dù đam mê và bỏ nhiều công sức vào mô hình này nhưng kết quả đem lại cho gia đình Sơn không như mong muốn về hiệu quả kinh tế, nên chỉ sau vài năm gầy dựng đàn, gia đình đã quyết định ngưng nuôi.



Bồ câu Pháp ăn nhiều, thường ăn các thức ăn có sẵn như lúa, gạo, bắp nghiền…
“Thời gian đầu tôi cũng trăn trở lắm vì đam mê của mình chưa kịp phát triển thì đã gặp thất bại, nhưng sau lại nghĩ có như vậy mới cần dày công nghiên cứu và tìm hiểu. Cuối cùng tôi phát hiện ra giống bồ câu Pháp mang lại giá trị cao và càng cao hơn nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật”, Sơn bộc bạch.

Năm 2008, Sơn chi 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại trên diện tích đất 130m2. Để có giống tốt, Sơn xuống tận Trung tâm bảo vệ giống cây trồng vật nuôi tỉnh Bình Định để được tư vấn. Tại đây, anh mua 30 cặp bồ câu Pháp từ một trại giống ở Ba Vì (Hà Nội).

Cứ ngỡ sẽ thuận lợi với mô hình mới này, tuy nhiên, anh Sơn cho biết khá gian nan vì thời kỳ đầu, do chưa am hiểu về đặc tính, thức ăn, quá trình sinh trưởng của giống bồ câu Pháp nên liên tục tổn thất về giống. Nhiều lúc trứng chim đang ấp bị ung, chim non bị chết, bồ câu lớn bị bệnh mà không phát hiện kịp thời… Do đó, sau một thời gian nuôi, số lượng chim giảm gần một phần ba so với lúc mua về.

Khó khăn chồng chất nhưng Sơn vẫn không nản và quyết tâm khắc phục nhược điểm bằng cách dành thời gian cả ngày lẫn đêm chỉ để quan sát, ghi chép thông tin về mọi thay đổi, quá trình sinh hoạt của giống bồ câu này. Không những vậy, anh còn lên internet tra cứu thêm thông tin, đọc các sách, báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp, rồi trực tiếp đến các mô hình nuôi bồ câu tương tự ở Bình Định để tìm hiểu. Từ kiến thức có được, Sơn áp dụng ngay vào mô hình một cách bài bản nên chỉ một thời gian sau đó số chim giống tăng lên và dần đạt con số 100 cặp.

Với nguồn giống dồi dào, Sơn vừa chăm sóc vừa nuôi bán để có nguồn kinh phí tái đầu tư trở lại. Tới nay anh đã có trong tay 300 cặp bồ câu Pháp, mỗi tháng  bán ra thị trường khoảng 60% tổng đàn, với giá bồ câu thịt khoảng 90.000-110.000 đồng một cặp, còn con giống khoảng 200.000 đồng một cặp 2 tháng tuổi. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 12 triệu đồng từ mô hình này. Từ năm 2010 đến nay, Sơn bắt đầu lãi đều đặn trên 100 triệu đồng mỗi năm”.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, Sơn cho hay, nuôi bồ câu không vất vả nhưng phải chú trọng vào khâu đầu tư chuồng trại và thức ăn. Bồ câu cần không gian thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, thức ăn và nước uống phải đều đặn. Là loài có đặc tính sinh trưởng mạnh nên cần cho chúng ăn 2 bữa một ngày là sáng và chiều tối. Bồ câu Pháp ăn nhiều, thường ăn các thức ăn có sẵn như lúa, gạo, bắp nghiền…

“Thông thường nên trộn thức ăn với tỷ lệ  một cám - một bắp - 2 lúa. Cám cho bồ câu ăn phải là cám gà đẻ, không nên cho ăn cám gà thịt. Bởi, cám gà đẻ chỉ chứa đạm, cám gà thịt thì chứa nhiều chất béo, nếu con mẹ ăn thì sinh sản kém, mà con con ăn, thịt về sau sẽ có nhiều mỡ”, Sơn giải thích.

Sơn cho biết thêm, bồ câu Pháp là loại rất ít dịch bệnh, thường thì một tuần vệ sinh chuồng trại một lần, nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu  có thể đẻ tới 7-8 lứa một năm, mỗi lứa 2 trứng một ổ. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi có thể bán tổng cộng là 45 ngày. Bên cạnh đó, so với bồ câu sẻ thì nuôi bồ câu Pháp có nhiều lợi thế hơn. Cùng một chế độ ăn, chăm sóc, thời gian để xuất bán nhưng bồ câu Pháp đạt trọng lượng nặng hơn, giá cũng cao hơn từ 15.000 đến 20.000 đồng một cặp.

Nguồn :vnexpress

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Ký sự chơi chim (kỳ 4): Những cuộc đối kháng từ nảy lửa đến... toét đầu

Chủ có thể ba hoa là chàng chim chọi của mình thiện chiến, nhưng nếu khi thi đấu, chưa gì đã bị chàng chim khác đánh cho toét đầu thì dân chơi chim sẽ hiểu đâu là sự thật.

Chim có hay hay không, có thiện chiến hay không thì đến ngày lên võ đài mới biết. Chủ có thể ba hoa là chàng chim chọi của mình thiện chiến, thể lực tốt… nhưng nếu khi thi đấu, chưa gì đã bị chàng chim khác đánh cho toét đầu thì dân chơi chim sẽ hiểu đâu là sự thật.

Cứ sáng chủ nhật hàng tuần, tại chùa Kim Liên (Yên Phụ, Hà Nội) lại diễn ra hội thi chim họa mi chọi. Những người nuôi chim ở Thủ đô mang bảo bối của mình đến vừa đấu lấy thành tích vừa coi như rèn luyện.

Sáng chủ nhật (30/8) tại sân chùa Kim Liên có 7 chàng họa mi tham gia thi đấu.

Đang là mùa chim thay lông nên số lượng chim tham gia không nhiều, chứ đến mùa chọi mỗi buổi đấu có thể đến vài chục con.

Sau khi làm các thủ tục cuộc đấu bắt đầu. Chim họa mi được đánh giá cao nhất là của anh Đạt, ở Thành Công.

Khi thi đấu người ta đặt 4 lồng chim ở cạnh nhau, hai lồng ngoài là chim chọi, 2 lồng bên trong là họa mi mái.

Họa mi mái có nhiệm vụ cổ vũ cho họa mi chiến, giúp chàng chiến đấu hăng máu hơn.

Theo luật chơi, hai con chim đánh nhau, đến khi con nào gục hoặc nhảy lên cầu lên vanh không xuống trong một khoảng thời gian quy định thì phần thắng nghiêng về con còn lại.


Chàng chim của anh Đạt

Ở trận chiến đầu tiên, sau khi rút thanh cửa lồng vài giây, 2 chàng 'võ sĩ' lao vào đánh nhau đấu mỏ, nhưng ngay sau đó con chim ở lồng bên trái dính đòn bay lên nóc lồng, rồi đứng cầu không xuống nữa.

Sau khi đếm thời gian, tiếng vị ban giám khảo hô dõng dạc:

-Con chim bên phải ở lại!

Thế là phần thắng thuộc về họa mi của anh Đạt. Chàng đã hạ đối thủ trong vòng 1 phút.

Chàng tiếp tục đấu với đối thủ thứ hai. Đối thủ này không lao vào chàng như đối thủ trước mà chỉ đánh thăm dò. Hắn cứ lao xuống đánh rỉa rồi lại quay mông nhảy lên cầu mấy lần liên tiếp như vậy.

Nhưng cuối cùng họa mi của anh Đạt cũng không mất nhiều thời gian để làm đối thủ sợ.

Trận chiến khiến chàng tốn sức nhất trong ngày hôm nay có lẽ là với đối thủ thứ ba.

Anh chàng này nhìn không có gì đặc biệt nhưng khá là dũng cảm.

Hai võ sĩ vần nhau đến vài phút, anh chàng trúng đòn của chàng kêu lên nhưng vẫn nhất quyết chiến đấu, không lùi nước.

Tiếng các khán giả ở ngoài hỏi nhau:

-Con nào kêu nhỉ?

-Đau quá kêu nhưng vẫn đánh

-Gan đấy nhỉ, con này Hà Nội phố à?

Sau khi vần nhau một hồi bằng mỏ và cố gắng khóa chân nhau, hai võ sĩ quay ra cù nhau, tức là đánh mỏ vào nách nhau.

Nhưng cuối cùng, đối thủ của chàng sau khi trúng đòn đau quá kêu một tiếng rồi quay lên cầu và chàng lại giành chiến thắng.

Cứ thế, trong buổi đấu hôm đó, chàng đã chiến thắng 6 trận liên tiếp và giành giải nhất.


Trao thưởng cho chủ nhân chim thắng giải ngày 30/8 tại chùa Kim Liên
Chàng vốn là giống chim từ Lạng Sơn, được ông chủ mua về được hơn 1 năm nay. Kể từ khi chàng có khả năng thi đấu, tuần nào ông chủ cũng cho chàng ra đây để đấu và ở cái sới chim này chàng hầu như không có đối thủ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chàng là nhà vô địch ở Hà Nội.

Bởi lẽ, có nhiều dân chơi chim ở Thủ đô họ sở hữu những chàng chim cực hay, thiện chiến nhưng họ không hoặc ít khi cho tham gia những sới nhỏ như thế này mà chủ yếu chỉ dự những trận đấu lớn là các giải liên tỉnh.

Với lại, đây đang là mùa thay lông, các cao thủ cũng được gìn giữ kỹ càng để chuẩn bị cho mùa chọi.

Theo nhiều người, một điều khiến dân chơi chim càng đam mê thú chơi này là ở chỗ, nhiều khi bảo bối của họ đem lại cho họ những cảm xúc thất thường.

Mỗi lần chàng ra trận, chủ lại lo, lại hồi hộp như đưa con mình đi thi đại học vậy. Và đến khi chàng chiến thắng họ lâng lâng ở một cảm xúc khó diễn tả.

Đó là chưa kể, thỉnh thoảng chàng lại đem đến cho chủ những cú sốc, thắng sốc, thua sốc...

Mới đây, chàng chim mới của anh Ba Rầu - một dân chơi chim chọi ở Miền Nam đã thắng trước một đối thủ mạnh mà anh không thể ngờ tới. Nhưng không lâu sau đó, chàng lại khiến anh từ thiên đường xuống địa ngục khi thua trong một trận đấu quan trọng, cũng không thể ngờ tới.

Và hẳn dân chơi chim còn nhớ tới nghệ nhân Triệu Hồng Tắc với con chim quý của mình.

Thời đó, ông Tắc còn là một thếu niên. Trong vùng có một ông chơi chim có tiếng, sở hữu con chim thiện chiến mà khắp cả vùng chưa con nào đánh lại.

Ông tự tin cho rằng chàng chim của mình là bất khả chiến bại và mạnh miệng tuyên bố:

Nếu chú chim nào đấu lại được bảo bối của mình thì ông sẽ bỏ thú chơi chim.

Vậy là, ông Tắc nhận lời thách đấu và chàng chim của ông Tắc giành chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Một thú chơi tưởng chừng như tao nhã nhưng lại vô cùng tốn kém vậy nên để gắn bó với nó người chơi cần nhất là sự đam mê và kiên trì.

Họ bỏ tiền, bỏ cả thời gian, công sức, tâm huyết với những chú chim họa mi và khi có cơ hội là họ lại lên đường... tìm cảm hứng, tìm tri kỷ, tìm đam mê.

Khi tôi kể câu chuyện này thì anh T và những người bạn đam mê họa mi giống như anh đang ở Hà Giang tiếp tục hành trình săn tìm chim chọi của mình. Và có thể, một vài tháng nữa, trên võ đài của họa mi chiến lại xuất hiện một 'ngôi sao' mới!

Theo L.T/Đất Việt

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Ký sự chơi chim (kỳ 3): Lồng vàng, cóng bạc, 'mái' đẹp… thỏa chí anh hùng

Chim họa mi chiến đánh nhau chỉ vì 2 lý do. Một là bảo vệ con mái; Hai là bảo vệ lãnh địa. Vì thế, một con chim họa mi chiến không thể thiếu 1 con mái tốt!

Có 3 thứ luôn gắn với chàng - chim họa mi chọi đó là chiếc lồng, bộ cóng và con mái. Những thứ đó vừa là thứ trang sức cho chàng, vừa thỏa đam mê, thể hiện đẳng cấp của chủ nhưng đồng thời cũng góp phần quan trọng để chàng chiến thắng trên võ đài.

Lồng trước hết nói về công dụng thì là nơi để chàng ăn, ở, ngủ nghỉ. Thực ra, chàng vốn không thích lồng vì lồng là nơi giam hãm sự tự do của chàng nhưng vì bắt buộc phải ở đó nên lâu dần chàng cũng quen.

Anh T. cho biết, thực ra chàng không quan trọng lắm lồng rẻ hay lồng đắt, lồng Trung Quốc hay lồng Việt Nam mà quan trọng là nó tiện dụng, thoải mái và phù hợp với chàng ở từng thời điểm.

Lồng chim được làm bằng nhiều loại như tre, trúc, gỗ, Inox, sắt, xương… nhưng phổ biến nhất hiện nay là lồng tre, lồng trúc.

Riêng lồng Họa mi chiến cũng có nhiều loại: lồng Trung Quốc, lồng Lạng sơn, lồng Thủ Đức...

Lúc mới từ rừng về, thể lực còn yếu, chưa quen với môi trường phố thị, chàng sẽ được chủ cho ở chiếc lồng nhỏ, phủ áo lồng nhỏ. Rồi theo thời gian và tình trạng sức khỏe của chàng, kích thước chiếc lồng sẽ to dần.

Người Trung Quốc có câu 'Chim nhảy qua 4 lồng mới biết chọi nhau' để cho thấy từng giai đoạn luyện tập, chàng sẽ ở những chiếc lồng khác nhau.

Nhưng với người nuôi thì khác, họ cho rằng, 'chim quý phải ở lồng son'.

Không thể phủ nhận, chiếc lồng thể hiện tình cảm của ông chủ với chàng. Ông chủ có yêu quý chàng, có coi chàng như báu vật thì mời bỏ công đi tìm những chiếc lồng tốt hay bỏ cả đống tiền mua chiếc lồng quý để cho chàng ở.

Bởi lẽ, chiếc lồng thông có thể có giá vài chục, vài trăm nghìn, loại đắt hơn vài triệu, vài chục triệu thậm chí có loại có giá lên tới vài trăm triệu.


Lồng có nhiều hình dáng, kích cỡ phù hợp với thể lực của từng chàng họa mi

Tuy vậy, không phải tình cảm của chủ với chàng tỷ lệ thuận với độ đắt của chiếc lồng. Nó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của ông chủ, nhưng anh T. cho rằng:

-Dân chơi chim chuyên nghiệp chí ít cũng thuộc hàng khá giả cả!

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội Quán Họa mi Việt Nam, 'nhà ở' cho chàng cũng là cách mà ông chủ thể hiện đẳng cấp của mình hay đơn giản là chủ của nó cũng mê lồng hệt như mê chàng.

Hiện có 2 nơi chính cung cấp lồng cho dân chơi chim đó là làng Vác (Thanh Oai, Hà Nội) và Trung Quốc nhưng có vẻ lồng Trung Quốc đang chiếm ưu thế.

Những chiếc lồng đắt tiền nhất thường được làm bằng ngà voi, các nan lồng làm bằng đồi mồi, gỗ sưa đỏ có giá từ 500 đến 800 triệu đồng.

-Ngay cả chiếc cóng (đựng đồ ăn, nước uống – PV) của nó cũng sang chảnh em à. Có những bộ giá lên tới vài chục triệu đồng!

Cóng cũng có nhiều hình dáng, làm từ một số chất liệu như đất nung, sừng, ngà voi, sứ… phổ biến nhất vẫn là cóng sứ.

Một bộ cóng thông thường sẽ có 3 chiếc, 2 chiếc đựng đồ ăn, 1 chiếc đựng nước uống. Cũng giống như lồng chim, những bộ cóng cũng thu hút người nuôi chim.

Anh T có rất nhiều bộ cóng nhưng quý nhất là 4 bộ, trong đó có bộ cóng tích 108 vị anh Hùng Lương Sơn Bạc đặt bên Trung Quốc.

Đây là bộ cóng do anh thiết kế và cất công sang Trung Quốc đặt một nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc làm.

Phải mất hơn 5 tháng trời và 30 triệu đồng anh mới sở hữu được bộ cóng quý này. Anh lấy 4 bộ cóng quý nhất cho chúng tôi xem.



Bộ cóng quý 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trị giá 30 triệu đồng của anh T.



Từng đường nét rất tinh sảo



Dưới đáy mỗi chiếc cóng khắc tên chủ nhân

Nhìn từng đường nét tinh sảo trên bộ cóng quý, 108 vị anh hùng không thiếu một ai, từng nét mặt, sắc thái, hình dáng đều thể hiện được khí khái của các vị anh hùng đó.

Trực tiếp nhìn nó người ta mới hiểu tại sao để sở hữu được nó anh T lại tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc như vậy.



Bộ cóng có tên Anh hùng tương ngộ


Bộ Cóng khắc hình Quan Vân Trường

Nhưng như thế theo anh T vẫn là chưa đủ với chàng nếu thiếu đi nàng chim họa mi mái.

Bởi lẽ, ở cái chốn phố thị này, ngoài chủ ra, chàng chỉ có nàng làm bạn. Nàng khiến cuộc sống của chàng trở nên tươi đẹp hơn. Nếu như các anh hùng ra trận không đem theo người đẹp thì chàng khi ra trận không thể thiếu nàng.

Nghe đến đây tôi bảo:

-Giống như đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ ý anh nhỉ!

-Ừ, đúng rồi đấy. Khi có nàng ở đó, chàng phải thể hiện mình là một chú chim mạnh mẽ, chàng có thể bảo vệ nàng.

Thực ra chim họa mi chiến đánh nhau chỉ vì 2 lý do thôi em ạ. Một là bảo vệ con mái; Hai là bảo vệ lãnh địa.

Vì thế, một con chim họa mi chiến không thể thiếu 1 con mái tốt!

Anh khẳng định, nếu tìm được một nàng họa mi mái tốt, có khả năng dỗ chàng, cổ vũ chàng chiến đấu, thì chủ hầu như yên tâm về nàng mà chỉ cần lo chăm chàng thật tốt.

Tìm họa mi mái khó không khác gì chim chọi. Dân chơi chim không ai bỏ ra đến vài chục triệu để mua một nàng họa mi mái. Nhưng nếu đã có chim mái tốt thì hầu như họ sẽ không bán. Vì thế, việc tìm vợ cho chàng cũng lắm công phu!




Tủ trưng bày những bộ cóng thường của anh T





Những bộ cóng quý hơn được chủ nhân trưng bày ở những chiếc tủ như thế này. Còn 4 bộ cóng quý nhất anh T không trưng bày mà cất giữ rất cẩn thận.

Còn tiếp...

Theo L.T/Đất Việt

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Ký sự chơi chim (kỳ 2): Khi 'chàng' căng lửa, cấm phụ nữ động vào!

Ở giai đoạn chuẩn bị cho những trận đấu thì việc 'bế quan tỏa cảng' lại càng quan trọng. Và lúc nào anh cũng dặn dò vợ con cách cái lồng chim của anh 3 mét!

Nếu như việc chọn chim thể hiện con mắt tinh tường của người mua thì công đoạn thứ hai (nuôi dưỡng, rèn luyện) này thể hiện khả năng, đẳng cấp của người chủ bởi nó là cả một nghệ thuật.

Bởi lẽ, theo anh T. dù chàng (họa mi chọi) có thành tích, kinh nghiệm trận mạc tốt đến đâu nhưng nếu không được nuôi dưỡng đúng cách cũng sẽ trở nên vô dụng.

Điều đầu tiên ông chủ cần làm cho chàng mộc là cho chàng làm quen với môi trường sống. Một người chuyển từ nơi này đến nơi khác còn sốc huống chi là chàng đang ở môi trường rừng núi chuyển tới nơi phố thị.

Thay vì nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng động quen thuộc của rừng xanh thì chàng phải làm quen với con người, tiếng còi ôtô, tiếng nhạc sập sình, những thứ chàng chưa bao giờ biết tới và thấy dị ứng vô cùng…

-Chàng đặc biệt sợ những âm thanh này, nên nếu không cẩn thận, chàng sẽ nhảy loạn xạ đâm vào lồng và tự làm rách mặt mình dẫn đến hoảng loạn...

Anh T. chia sẻ như vậy và cho biết thêm rằng, vì lý do đó, dân chơi chim lo nhất là chàng bị ngã nước - tức là bị sốc với môi trường sống mới.

Không cẩn thận, tiền bạc, công sức săn tìm của họ sẽ đổ sông, đổ bể.

Chàng có thể thích nghi sau 2 - 4 tháng cũng có thể 1 năm, điều đó phụ thuộc nhiều vào khả năng của người nuôi dưỡng chàng.

Tuy nhiên, để có thể tham gia chiến đấu được, chàng cần qua một mùa thay lông.

Về ăn, chàng không quá kén nhưng đồ ăn của chàng cũng chẳng phải dạng vừa. Thông thường, chủ sẽ cho chàng ăn gạo trộn trứng gà. Nhưng trứng gà phải là trứng gà ngon.

Anh nửa đùa nửa thật: - Nhiều khi nó còn ăn ngon hơn cả mình!

Ngoài ra, người nuôi cũng cho chàng ăn thêm mồi tươi như thịt bò, châu chấu, dế mèn… để bổ sung dinh dưỡng.

Nhưng dế mèn phải bắt từ tự nhiên, thường là từ trong Sài Gòn hoặc trên vùng núi, bởi nếu là dế nuôi ăn thức ăn công nghiệp, mùi vị không thơm ngon là chàng không thích.

Với lại, anh T. cũng cho hay, 'nhốt chàng vào lồng là đã xử tệ với chàng, tách chàng khỏi tự nhiên nên đồ ăn, thức uống cho chàng phải là những thứ tự nhiên'. Vậy thì, tội gì chàng không hưởng thụ.


Chiếc lồng to để luyện thể lực cho họa mi chiến

Tuy nhiên, giống như một võ sĩ quyền anh, chàng không phải muốn ăn bao nhiêu cũng được, mà phải dựa trên kế hoạch, lộ trình của chủ.

Chủ sẽ cho chàng ăn để làm sao chàng khỏe nhất, cơ thể săn chắc nhất, đáp ứng được nhu cầu tập luyện và chinh chiến.

Mỗi chủ nuôi lại có những ngón đòn, những phương pháp luyện tập khác nhau cho 'bảo bối' của mình.

Chủ phải quan sát, phải tìm ra thế mạnh, tính nết của chàng để mà phát huy dựa trên những gì mà chàng thể hiện.

Nếu ưu thế của chàng là đánh mỏ, chàng sẽ được luyện mỏ; ưu thế của chàng là đánh chân, chàng sẽ được luyện cho đôi chân thật khỏe, bộ móng thật lợi hại.

Người ta luyện mỏ bằng cách cho chàng ăn những đồ ăn cứng, mỏ phải cắn xé hàng ngày... Còn luyện chân, người ta cho chàng nhảy lồng phóng, lắp cầu nhỏ cho chàng để buộc chàng phải dùng móng chân mà quắp lấy chiếc cầu, nếu không muốn bị ngã.

Ngoài ra, họ cho chàng nhảy lồng đất chữ nhật, bên dưới sàn lồng, họ dải một số loại đất phù sa pha lẫn cát vàng để chàng mài móng, không để móng quá dài sẽ khó khăn cho việc khóa đối thủ.


Loại đất phù sa pha cát vàng để mài móng cho chim
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, nhiều phương pháp khác vẫn trong vòng bí mật. Bởi như anh T. khẳng định: - Dân chơi chim họ giấu nghề em ạ. Kinh nghiệm chủ yếu là do mình tự đúc kết thôi.

Có thể nói, giai đoạn quan trọng của họa mi chọi là lúc chàng căng lửa - đây là giai đoạn chàng dữ nhất và đánh nhau hăng máu nhất.

Khi ở giai đoạn căng, tính khí chàng cũng thất thường lắm. Lúc chớm căng, chàng thích hót, hót rất nhiều nhưng đến lúc chàng nhảy lồng liên tục, nhìn thấy đồng loại là muốn lao vào đánh nhau thì mới là lúc độ căng của chàng đạt đỉnh.

Tuy nhiên, cũng có những chàng chim khi căng nhất lại trở nên trầm tính, lầm lì, nằm sàn như ấp trứng dù chàng có trứng đâu mà ấp. Thỉnh thoảng chàng chồn chân, bực dọc trong người lại nhảy lên, nhảy xuống.

Vì thế, chủ nuôi phải thật hiểu tính nết chàng mới có thể đưa ra những nhận định chính xác.

Mùa chàng họa mi chọi căng nhất thường là khoảng 1 tháng trước và sau Tết âm lịch. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều giải đấu chim chọi lớn nhất.


Và ở giai đoạn chàng căng, chuẩn bị cho những trận đấu thì việc 'bế quan tỏa cảng' lại càng quan trọng bởi nhiều khi chỉ một vài động tác của người lạ, một vài âm thanh lạ có thể khiến chàng kinh động và khiến công sức của người chủ nuôi thành 'sôi hỏng bỏng không'.

Có ông chủ, thời gian chàng chuẩn bị đi đấu, không đi làm, chỉ ở nhà chăm chàng; có người khác như anh T. thì lắp camera giám sát chàng ngày đêm, thi thoảng mở ra xem như các bà mẹ thời gian đầu cho con đi nhà trẻ.

Và lúc nào anh cũng dặn dò vợ con cách cái lồng chim của anh 3 mét!

Còn tiếp...

>> Ký sự chơi chim (kỳ 1): 'Chàng' mù khét tiếng bất khả chiến bại xứ Kinh kỳ

Theo L.T/Đất Việt

Ký sự chơi chim (kỳ 1): 'Chàng' mù khét tiếng bất khả chiến bại xứ Kinh kỳ

Sỡ dĩ, chàng được gọi là MU vì chàng bị mù 1 mắt. Dù vậy, nhưng kể từ khi lên võ đài chàng chưa thua trận nào.

Từ thú chơi cung đình của các bậc vương hầu, quý tộc nhà Lý, chọi chim họa mi nhanh chóng lan rộng rồi trở thành thú chơi của người kinh kỳ bởi tính thanh cao, tao nhã, tinh thần thượng võ của nó. Suốt rộng, dài của 1.000 năm lịch sử, thú chơi họa mi chọi của người Hà Nội có những lúc thăng trầm khác nhau nhưng niềm đam mê thì không phai nhạt. Loạt ký sự 4 kỳ của Tin ngắn sẽ phần nào giúp mọi người dễ hình dung hơn về thú vui hết sức thú vị này. Mời quý độc giả theo dõi vào 21h10 các ngày trong tuần.

Nếu như đối với mỗi người, việc khó nhất đời là tìm được một người tri kỷ, thì đối với dân chơi chim chọi việc tìm được một con chim tốt cũng là một thử thách. Chim có nhiều loại nhưng được dân chơi chim ưa chuộng nhất có lẽ là loài họa mi.

Gặp anh T. (Chủ tịch Hội quán họa mi Việt Nam) vào một sáng tháng 8, ngay khi vào cổng nhà anh, người ta đã nhìn thấy chiếc lồng chim và tiếng hát líu lo của loài họa mi.

Bước vào căn phòng mà anh nói là chỉ dành để các anh em bạn bè bàn bạc chuyện chim cò, nhấp chén trà anh bắt đầu câu chuyện:

-Anh nói chuyện về họa mi cả ngày cũng chẳng hết chuyện. Cơ mà anh chỉ thích họa mi chiến thôi.

Rồi anh kể, họa mi ngày nay được dân chơi chim phân làm 2 loại theo đặc tính của chúng là chim chọi và chim hót (Nữ hoàng của rừng xanh). Nếu họa mi hót được đề cao bởi tiếng hót như những bản nhạc của thiên nhiên thì họa mi chọi (xin được gọi là chàng) được đề cao bởi tính anh hùng, kiên cường trong chiến đấu để bảo vệ mục tiêu.

-Ôi, tìm được một chàng chim hay khó lắm - anh chép miệng.

Theo anh, dân chơi chim có 2 cách để tìm được một chàng họa mi chọi tốt. Một là tìm từ chim Mộc (chim mới bẫy ở rừng, chưa được thuần hóa, chim sạch chơi được lâu nhưng xác suất thấp) hai là tìm chim từ những trận chọi chim.

Nếu tính về mức độ đơn giản thì cách thứ 2 có vẻ đơn giản hơn. Bởi khi này, người ta sẽ không cần để ý quá nhiều đến những đặc điểm ngoại hình như lông, mắt, mỏ chân bởi thực tiễn chính là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm và khẳng định con chim.

Tuy nhiên, nếu chàng đã là một võ sĩ chuyên nghiệp, đã có bề dày thành tích thì dân chơi chim sẽ phải bỏ ra cả chục triệu đồng, thậm chí là đến cả trăm triệu đồng.

Nhiều trường hợp có trả giá cao thế nào đi chăng nữa chủ của nó cũng không chịu bán. Bởi lẽ, để huấn luyện được một chàng chim đến độ 'bất khả chiến bại' không phải là một điều dễ dàng. Hơn nữa, với những người chơi chim thì chàng giống như người người tri kỷ:

-Mà tri kỷ thì ai bán bao giờ! Anh T. trầm ngâm.

Anh cũng cho biết để sở hữu được chú chim MU - báu vật của anh hiện tại, anh đã phải bỏ ra 60 triệu đồng cùng nhiều công sức, thời gian để thuyết phục người chủ cũ của nó bán cho anh.

Sỡ dĩ, chàng được gọi là MU vì chàng bị mù 1 mắt. Dù vậy, nhưng kể từ khi lên võ đài chàng chưa thua trận nào, làm rạng danh anh em Hội chim Hà Nội khi đi thi đấu ở Bắc Ninh vài năm trước.


Chàng họa mi MU của anh T

Anh T. cũng kể lại câu chuyện về một người bạn người dân tộc H'Mông ở Mèo Vạc sở hữu một chàng chim họa mi chọi cực quý. Rất nhiều người đã hỏi mua nhưng anh ta nhất quyết không chịu bán với bất cứ giá nào.

Thế nhưng, khi quen anh T., trân quý vì tình cảm của anh với loài họa mi, người bạn này đã tặng không nó cho anh, thậm chí anh ta còn đích thân lặn lội từ rừng về Hà Nội mang chim giao tận tay cho anh T.

-Tìm từ chim mộc thì đỡ tốn tiền hơn nhưng tốn công sức lắm em ạ - Anh C., bạn chơi chim của anh T. tiếp lời.

Anh cho biết, nếu chỉ đi tìm ở những cửa hàng bán chim quanh thành phố thì hiếm khi tìm được một con chim tốt. Đa phần, người chơi chim sẽ phải lặn lội đi tới một số tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La…

Nhưng, nơi mà dân chơi chim ưa thích, tin tưởng nhất có lẽ vẫn là Lạng Sơn bởi Lạng Sơn vốn là cái nôi, gốc của thú chơi chim.

Còn dân chơi chim miền Nam sẽ phải ra Bắc để tìm chim, vì họa mi chọi chủ yếu xuất phát từ miền Bắc, hoặc rải rác ở một số tỉnh miền Trung.

Thậm chí, có người sau khi nhận được tin về một chàng chim có tiềm năng đã thuê 2 người Mông lặn lội, băng băng hàng chục cây số đường rừng sang Lào để tìm bắt chim về.


Chàng chim mà người bạn ở Mèo Vạc tặng anh T

Thông thường, dân chơi chim chuyên nghiệp sẽ có một hệ thống những người gọi là hoa tiêu để nắm bắt thông tin về những chú chim mộc tốt mà người dân mới bẫy được.

Sau đó, họ phải lên tận nơi, mục sở thị chàng chim đó để xem tiềm năng của chàng đến đâu.

Theo kinh nghiệm từ người trước để lại, họa mi có nhiều loại màu mắt: màu xanh, màu đỏ, màu vàng nhạt... nhưng loại mắt dữ nhất, được dân chơi họa mi chọi thích nhất là loại có mắt màu đen (hay còn gọi là Hắc xá), mỏ thẳng như búp đa, lông mỏng cánh dài, hậu dầy đuôi thẻ bài...

Nhưng không phải cứ chú chim nào đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì sẽ trở thành 'võ sĩ'. Anh C cho biết:

-Cả chục lần báo tin như thế mới tìm được 1 chú chim hay. Như thế, xem như đã là may rồi đấy!

Tìm chim chọi cũng cần chữ duyên là ở đó.

Còn tiếp...

Theo L.T/Đất Việt

Cám tốt quyết định? Chim hay tố chất bản lĩnh? hay tay nuôi kinh nghiệm?

NẾU CẢM THẤY BÀI VIẾT CÓ ÍCH CHO BẠN VUI LÒNG CLICK QUẢNG CÁO ỦNG HỘ TRANG WEB => CẢM ƠN ĐÃ QUAN TÂM <= Hello anh em! lâu lắm rồi tôi...