Bảng mầu mắt của Họa Mi
Mình xin dịch những hình ảnh trên nhé :
1,Lục đậu thanh. 2,Thiên lam thanh. 3,Bạch nhãn thủy. 4,Phỉ thúy lục. 5,Bảo thạch lục. 6,Hoàng kim sa. 7,Nguyệt bạch nhãn. 8,Sà nhãn. 9,Thái hoa hoàng. 10,Đạm lục sa. 11,Khôi bạch thủy. 12,Kim hoàng sa. 13,Khôi nhãn. 14,Hoàng kim nhãn. 15,Đại thanh nhãn. Bốn con mắt còn lại được ghi chú là "Tần lãnh bắc pha điểu" nghĩa là chim vùng núi cao bắc nước Tần.
Và em cũng có 1 số kinh nghiệm chọn 1 chú Họa Mi thế này có gì không phải mong các tiền bối bỏ qua cho em nhé :
- Về tổng thể: Chọn chim già rừng, hình thức phải thuộc một bộ nào đó ( ngũ trường hoặc ngũ đoản ) tác phong chững chạc, nhảy lên xuống theo quy luật, dù nó là chim mộc. khi nhảy phải phát ra âm nặng ( nghe Phịch phịch chứ không phải xoạch xoạch ) đó là con chim có cốt chứ không phải to vì lông
- Bộ lông Hoạ Mi: chọn chim có bộ lông khô, tơi, mỏng, ngắn, ít hoa, sáng màu, vùng lông trắng dưới bụng càng rộng càng tốt ( chú ý tránh lông dầu, loại chất lông có màu xẫm và bết dính, k tơi. vì loại chim này khó thuần dưỡng và khi đã mất lửa thì rất khó hồi phục, )
- Đầu Hoạ Mi: chọn chim có tảng đầu to, phẳng, gáy dài, lông đầu thưa và ngắn, càng ít hoa càng tốt. hai bên thái dương càng vuông càng tốt.
- Mắt Hoạ Mi: chọn loại mắt nhỏ, méo, mí dày, nhăn nheo, tối màu, con ngươi nhỏ và đục nhìn có vẩn như phù sa, hoạ đóng cao, lam mắt rộng và càng ít lông mi càng tốt
- Mỏ: chọn mỏ xẻ hoặc mỏ đúp đa là tốt nhất, nếu mỏ kênh, lỗ mũi to thì hay hót, chim chiến thì cần có hàm sâu và mỏ dưới dày, cạnh mỏ sắc, sống mỏ cao
- Chân: chọn chân khô, giống như cái chân gà phơi nắng, màu trắng vàng là tốt. Móng ngắn, cong, sắc nhọn, nhìn rõ tia máu trong lõi móng.
- Đuôi Hoạ mi: chọn đuôi dài cho bộ ngũ trường và đuôi dẻ quạt cho bộ ngũ đoản, đuôi dẻo, đệm đuôi dày.
- Cánh Hoạ Mi: chọn cánh buồm, hơi xệ, nhưng không phải xệ vì bị suy.
Về cơ bản là vậy, nhưng trên thực tế thì phải tuỳ cơ ứng biến cho phù hợp với điều kiện của mình, vì trên thực tế rất khó chọn được 1 chú chim hoàn hảo như lý thuyết mà lại hợp với túi tiền của mình.
Bên trên là cách chọn chim rồi thì bên dưới này em lại sưu tầm được vài quan điểm cần tránh khi chọn chim họa Mi :
- Một là, Họa Mi non rừng: Nhỏ con, mép vàng, lông mịn, chân tròn và ướt ( ví như da em bé )
Nếu còn mộc thì khi ta động vào lồng nó nhảy và húc đầu lung tung không có 1 quy luật nào cả.
Nếu đã thuộc thì có các biểu hiện sau: ở trong lồng thì ỉa bậy và hay bới phân; treo trên cây thì hay vặt lá, bẻ cành nhìn cứ ngồ ngộ như đứa trẻ con vậy; Khi đặt dưới đất thì bới đất nhặt cát và tha các thứ linh tinh vào lồng; khi hót thì tắc cú không thành bài vì chưa tốt nghiệp trường nghệ thuật tại rừng ( chim chưa trưởng thành )
- Hai là, Họa mi lông dầu: tôi đã nói ở trên, loại này có bộ lông tối màu và bết dính, mặt lông bóng như dầu nhớt. loại này rất khó thuần và khi đã mất lửa thì rất khó vực lại.
- Ba là, Họa mi gáy lợn: gáy của nó không phẳng xuống lưng, mà có chỗ gợn lên như gáy con lợn. Loại này nếu chơi hót thì còn tạm chứ nếu chơi chiến thì dứt khoát không mua. Vì loại này dù có căng đến mấy thì khi đánh cũng nhát đòn và chạy sớm.
- Bốn là, Họa mi rậm đầu: k nên chọn những con chim có bộ tóc dày, rậm và nhiều hoa. vì loại này là chim nhát, kém cả hót lẫn đánh.
- Năm là, Mắt loãng và sáng màu: Mắt là thứ quan trọng nhất, khi chọn không nên chọn con có chất mắt loãng, sáng long lanh như giọt sương.
- Sáu là, mắt lộ khóe: k nên chọn chim có mắt lộ khóe. cái da mắt k che hết con ngươi mà đề lộ ra cái khóe mắt ( chính là chỗ hay đùn gỉ ở mắt người )
Bên trên là cách chọn và vài điều cần tránh khi chọn chim
Sau đây em xin nêu 1 số điều để thuần và dưỡng chim Họa Mi
Sau khi đã chọn cho mình một chú Mi ngon lành từ "rừng" về ( Mi bổi), ta bắt tay vào việc. Tìm 1 cái lồng 60 (60 nan), không cần vẹc-ni chi cả (Lồng Mộc), sau này ta sẽ sắm lồng xịn khi mà chú đã ra giáng rồi thỉ cũng không muộn. Một cái áo lồng màu xanh dương đậm ( xanh biển), hoặc màu đen, 4 cái kẹp ( kẹp quần áo cũng dc). Trong lồng nên bỏ 3 cóng, 2 cóng nước và 1 cóng trộn sâu tươi cùng tấm. Khi có nhà rồi, cho chú ta vào, phủ kín áo lồng, treo vài góc nhà hay góc sân.
Mỗi ngày nhớ thăm chừng nuớc khoảng 2 lần ( 1 buổi sáng và 1 buổi tối), mỗi sáng lặt chục con cào cào quăng vô, xong cứ "trùm mền" nó lại.
Một tuần sau, có thể làm bước 2, đó là cái áo lồng, mỗi bên vén lên 1 ít, chừa 1 khoảng trống đúng bằng khoảng cách cửa lồng, mỗi bên kẹp 2 cây kẹp cho áo lồng dính vô nan lồng. Giai đoạn đồ ăn, nước uống cứ tiếp tục như trên.
Thường thì Mi bổi mua về, ít nhất là vứt đi mùa đầu để thuộc cho đứng chim, chịu ăn mồi nhà ( tấm), có nhiều chú nhát quá phải tốn đến 2, 3 mùa mới đứng chim, chim đứng mới có thể đem đi dợt được, vội vã quá sẽ có tác dụng ngược lại, hư luôn con chim. Do đó khi tìm mua Mi bổi nên mua vào đầu năm ( đang mùa xuân), chim ở rừng khi đó vừa có bộ lông mới, vừa có lửa, mang về thuộc dễ hơn, nhanh hơn, chim mau dạn hơn.
Để tập Mi ăn tấm cũng không khó, ban đầu ta bỏ tỉ lệ 1:1 ( phân nữa tấm, phân nửa sâu tươi), sau vài ngày ta rút lại, 2:1 rồi 3:1,...khoảng 1 tháng là Mi có thể ăn tấm làm thức ăn chính.
Một tháng sau khi mua Mi bổi về, có thể cho Mi tắm, Mi bổi rất thích tắm, chọn ngày nắng to, buổi trưa, chọn chỗ vắng, nhẹ nhàng thì ta áp sát lồng Mi vô lồng tắm đã mở sẵn rồi kéo kiếm, sau đó ra chỗ khác, và phút thì Mi sẽ qua lồng tắm ngay, khi đó ta có thể lấy lồng tắm ra, và tránh chỗ khác để em nó tự nhiên tắm, he he. Khoảng 2 phút Mi nhảy tới, nhảy lui trong lồng, không xuống nước nữa, ta có thể cho em nó về lồng. Khi này áo lồng ta có thể mở rộng thêm nhưng không được quá 1/2 lồng, treo chim vào chỗ ráo (không có nắng ) để chim tự rỉa, làm khô lông. Cứ mỗi lần cho tắm là mỗi lần chim dạn thêm 1 bước, các bạn cứ yên chí thế.
Có nhiều chú nhát quá không chịu qua lồng tắm, mạnh bạo hơn, đứng từ phía sau, ta vỗ nhẹ vào lưng lồng vài cái, nó chui tọt qua lồng tắm liền.
Sau lần tắm đầu tiên, các bạn có thể rút bớt thời gian lại bằng cách cho Mi tắm mỗi tuần 1 lần, sau đó là mỗi ngày 1 lần.
Khoảng 3 tháng sau kể từ ngày đem chú ta về nhà, bạn có thể xách chú ta đi chơi rồi. Ở đây tui xin nói rõ là đem đi chơi thôi, không phải là đem đi luyện giọng.
Đến chỗ dợt, thường là công viên , chọn 1 chỗ ngồi hơi thoáng, ta đặt lồng chim trước mặt, để dưới đất, mở áo lồng ra và kẹp lại đúng bằng ngay cửa lồng, gọi 1 ly cafe đá, ít vài hơi thuốc, ung dung mở bịch cào cào, lặt từng em quăng vào lồng. Đúng điệu rồi, chắc là nghệ nhân.
Việc cho chim ăn cũng là một trong những tiểu xảo để làm chim mau dạn, quen mặt với chủ nuôi, Mi thông lắm, nhớ mặt , làm nó hoảng, mai mốt thấy mặt bạn từ xa là nó nhảy lia lịa. Kết hợp cùng việc để lồng chim dưới đất, ngồi trên ghế, banh 2 chân, chim ở giữa. Chú có nhát, có nhảy cũng không thể nhảy ngược lên mà bể đầu, chỉ có nhảy qua, nhảy lại hoặc ở dưới bố lồng thôi.
Sau khi làm xong bịch cào cào, ta có thể treo chim lên xà, chọn chỗ không có Mi treo, tốt nhất là chỗ thưa, quay mặt cửa về hướng có nhiều chim để Mi tập làm quen với khung cảnh bên ngoài.
Việc thuần dưỡng 1 chú Mi có nhiều công đoạn, thuần cho Mi dạn, đứng lồng, chịu hót, thuần cho Mi hót hay và cuối cùng, cao cấp hơn đó là thuần cho Mi sống theo phong cách của chủ.
Nghe qua thì hơi lạ tai, nhưng thiết nghĩ đó cũng là một vấn đề ta cần suy nghĩ, bàn bạc cùng nhau xem đúng sai ra sao.
Công đoạn đầu, thuần cho Mi dạn, đứng lồng, chịu hót là tương đối khó nhưng cũng không phải là quá khó nếu bạn nhiệt tâm, chú ý hơn về những điều có vẻ như nhỏ nhặt trong việc hàng ngày chăm sóc Mi, ví dụ đơn giản : nuôi chim thì phải vệ sinh lồng, thay bố lồng.
Một chú Mi mới về, nhảy lưng tưng mỗi khi thấy bóng người hoặc xe cộ, con mèo,...bạn lò mò lại gần, mở cửa, thò tay lôi bố lồng ra, thay bố lồng khác...đảm bảo sau đó chú không tét máu đầu thì cũng hoảng càng thêm hoảng, ta giải quyết thế nào, đơn giản là ta chỉ thay bố lồng, vệ sinh lồng khi mà cho chú tắm.
Hoặc việc cắt móng, cắt mỏ cho chú thì sao ? Mi rất thông minh, bạn thò tay bắt chú trong lúc bạn và chú chưa thân, đảm bảo lần sau thấy mặt bạn từ xa là chú đã nhảy loạn xạ tìm đường trốn. Khi bạn muốn làm việc này, kiếm cái mũ đội vô, đeo cặp kính đen vào và thêm cái khẩu trang.
Công đoạn thứ 2 là khi ta đã có một chú Mi đã tưong đối dạn, đã xong lông rồi thì ta sẽ cho chú đi dợt giọng "ca sĩ" của mình.
Mi rừng chú nào cũng có sẵn giọng cả và phong phú theo mức độ nào thì do số tuổi sống ở rừng quyết định và do...bạn có chọn được chú có "ngon lành" hay không mà thôi. Tất nhiên, ngoài các yếu tố kể trên, dợt Mi luôn là yếu tố quan trọng.
Trong sân dợt, có biết bao là Mi, hay có, dở có, chưa kể đến các loài chim khác, chú Mi của bạn được đem đi dợt thường xuyên sẽ được nâng cấp giọng hót. Bản tính tự nhiên của chú là sao chép, sao chép ở đây không phải photo nguyên bản mà là có sự chọn lọc. Đi dợt mà Mi của bạn được treo gần những chú " khét lửa", những chú "trùm", thì chỉ cần vài hôm, giọng hót của chú Mi bạn sẽ có vài âm điệu của những chú kia, hoặc là thêm vào vài tiếng còi xe, tiếng mèo kêu, chó sủa,...
Điểm quan trọng cần lưu ý là khi dợt, đừng bao giờ dại dột treo lồng Mi của mình kế bên nhửng chú Mi đó, treo xa xa, cách 5, 7 mét và phải chú ý Mi của mình, nếu thấy chú nhảy lên, nhảy xuống vồ lồng về hướng những chú kia, đó là tín hiệu đáng mừng. Còn nếu thấy chú có vẻ hoảng, nhảy theo cách tìm đường trốn hoặc đứng yên 1 chỗ trên cầu, can thiệp ngay, treo xa hơn nữa, quay mặt hướng khác hoặc mượn 1 Mi mái kè ngay trước cửa lồng ngay, không thì chim dựng đầu thành Chào Mào của bác Bạch Đề.
Thời điểm này khi làm tấm, bạn có thể rang vàng đều hạt tấm, cho ăn tấm + cào cào tươi, không cho ăn sâu ( nuôi Mi thì tốt nhất đừng cho ăn sâu), có thể thay đổi thực đơn cào cào = liêu điêu nhưng ít thôi hoặc kèm thêm liêu điêu.
Chế độ phơi nắng, tắm cũng phải thích hợp, Mi nên phơi nắng mỗi ngày từ khoảng 7h đến 9h sáng là đủ, sau đó cho vào trong bóng mát, khoảng trưa thì nên cho tắm, tắm xong nên cho phơi nắng khoảng 3 đến 5 phút để chú hong khô lông rồi mang vào ngay, không nên để Mi tiếp xúc nắng trưa hoặc chiều.
Đến khi mà ta mang Mi vào sân dợt, vừa treo lên vài phút là chú ta đã lên cầu, đánh võng cái đầu, chơi liền tù tì vài phút hay hơn, khi đó ta có thể yên tâm để Mi đứng gần các chú Mi dữ khác nhưng vẫn phãi quan sát kỹ, "cao nhân tắc hữu cao nhân trị", Mi ta dữ nhưng có thể có Mi dữ hơn, khi đó Mi ta sẽ lép, khi đó phải tách ra xa một chút.
Khi này, trước khi mang Mi đi dợt, bạn có thể xách thêm vài quả lựu đạn, đến chỗ dợt, trong lúc nhâm nhi cafe, nhả khói thuốc chữ O, ngồi nghe ca sĩ nhà trổ giọng, bạn có thể ung dung quăng vài quả chỗ này, chỗ kia rồi đó.
Giai đoạn 3, giai đoạn mà tôi muốn trình bày trong bài này là ở đây, thuộc cho Mi phải tuân theo bạn !
Giai đoạn này thường chỉ bắt đầu khi mà Mi bạn thuộc khoảng từ mùa thứ 2 hoặc 3 trở đi, lúc này Mi đã dạn người, đã có giọng hay,...và ta đã có tình cảm thân thương với chú.
Việc đầu tiên bạn phải làm sao để chú nhận ra bạn, chính bạn chứ không phải là ai khác ! Có nhiều cách làm, không ai giống ai, tôi xin ví dụ:
Khi lại gần Mi búng tay 1 cái, miệng huýt sáo " chỏi che chèo, chỏi che chèo". Lâu dần, từ xa thấy hoặc nghe thấy tiếng huýt sáo từ xa, Mi sẽ nhảy qua lại điệu bộ mừng rỡ, vì là người bảo vệ chú, người chăm sóc chú,...
Việc này nghe qua có vẻ vô nghĩa, nhưng thực tế không vô nghĩa chút nào, có những lúc bạn treo Mi ở chỗ nào đó mà làm chú bị hoảng, hoặc có nhiều người dòm ngó là chú hoảng, bạn lại gần, khi thấy mặt bạn Mi sẽ bớt hoảng ngay, rồi động tác hạ lồng, chuyễn vị trí cho Mi nữa, chú Mi trong tay bạn đó như đứa trẻ đang được ông bố, bà mẹ nắm tay, nó im re ngay.
Đôi khi bạn có thể đổi chỗ dợt chim, bạn có thể yên tâm cùng chú đi mà không sợ chú lạ sân, lạ chỗ, có bạn, chú sẽ chơi hay hơn, dạn dĩ hơn.
Nguồn internet
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cám tốt quyết định? Chim hay tố chất bản lĩnh? hay tay nuôi kinh nghiệm?
NẾU CẢM THẤY BÀI VIẾT CÓ ÍCH CHO BẠN VUI LÒNG CLICK QUẢNG CÁO ỦNG HỘ TRANG WEB => CẢM ƠN ĐÃ QUAN TÂM <= Hello anh em! lâu lắm rồi tôi...
-
Thông thường các bạn bắt chim họa mi mộc nên lựa chọn: - Đầu: Đầu táo , rộng tảng, trán rộng, cút đầu dài tròn, lông đầu mỏng (nếu là chim g...
-
Chim chào mào phá đuôi hay còn gọi là phá vĩ làm cho đuôi nhìn rất xấu và lúc nào cũng xơ xác như cái chổi trà . Chim phá vĩ cũng có rất nh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét