"Người nuôi chim giỏi trước hết phải có tâm huyết nhưng quan trọng không kém là phải có bà vợ nuôi chồng giỏi nữa. Nếu không thì tốt nhất là... bỏ nghề".
Niềm say mê của ông Nhung là hàng ngày chăm sóc cho những con chim...
Thú chơi nhọc nhằn
CLB Chim hoạ mi TX Cẩm Phả hiện có 27 thành viên, người nhiều thì có vài chục lồng, người ít cũng có 3-4 lồng chim. Ông Phạm Quang Hậu (khu 2, phường Cẩm Đông) là tổ trưởng CLB cười ha hả khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về chim họa mi. Ông bảo: "Ai giấu nghề chứ riêng tôi thì không vì cái nghề chơi chim này chẳng ai giàu được đâu, chỉ là thú vui tao nhã thôi. Đã là chơi thì càng nhiều người chơi càng vui". Dừng một lát, ông Hậu nói tiếp: "Anh hỏi về chim họa mi để viết báo à? Thế còn được, nhưng nếu hỏi để làm nghề nuôi chim thì không dễ đâu, trước hết anh phải có cái tâm thực sự, nếu không chỉ mất công thôi". Tuy đã nhiều năm trong nghề nuôi chim chọi, lại được anh em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, nhưng ông Hậu vẫn chỉ coi mình là bậc hậu bối ở Cẩm Phả. Còn bậc tiền bối, phải là cụ Nhung (ông Hậu gọi ông Nhung bằng giọng kính trọng như vậy).
Ông Nguyễn Văn Nhung, hiện đang ở tổ 3, khu Lán Ga, phường Cẩm Đông, TX Cẩm Phả. Con đường dẫn đến nhà ông phải vượt qua một con đường đồi dốc quanh co. Vậy mà khi đến cổng rồi lại thêm một lần trèo dốc nữa tôi mới tiếp cận được ngôi nhà, vì nhà ông được xây tít trên ngọn đồi cao. Ông Nhung hiện đã 80 tuổi, nhưng khá khoẻ mạnh. Ông chơi chim từ thời Pháp thuộc, bây giờ cái "máu" nuôi chim cảnh trong ông vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Hàng ngày, ông vẫn leo dốc phăng phăng rồi cho hàng chục con chim ăn. Dẫu rằng nghề nuôi chim có khi còn bận hơn nuôi con thơ, con mọn nhưng với ông Nhung thì ngược lại. Ông bảo: "Càng vất vả tôi càng thấy vui, nếu không được chăm sóc chim hàng ngày chắc tôi ốm mất". Ông cũng tâm sự: "Nuôi chim họa mi mà không có cái "tâm" thì tốt nhất là đừng nuôi nữa. Nuôi như vậy vừa tốn tiền mà chỉ làm khổ con chim". Rồi lần hồi ông kể cho tôi nghe quá trình nuôi chim của mình: "Khi ấy tôi còn nhỏ lắm, chỉ khoảng 9-10 tuổi thôi. Tôi bảo với bố là tôi thích có một con chim để nuôi. Vốn chiều con, bố tôi đến tận Ninh Bình tìm người bạn tên là Nga vốn hay phiêu lưu nay đây mai đó, có khi lấy rừng làm nhà, gốc cây làm giường, sống bằng nghề bẫy chim. Con chim đầu tiên mà ông Nga cho tôi là con chim họa mi, rồi ông ấy dạy tôi nghề thuần dưỡng chim họa mi".
Sau kháng chiến chống Pháp rồi lại chiến tranh bắn phá của giặc Mỹ. Khi đó, ông Nhung đã có vợ con. Cẩm Phả trở thành một trong những tâm điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ. Ông Nhung lưng cõng con, một tay xách lồng chim cùng vợ đi sơ tán ở Núi Dê (thuộc phường Quang Hanh, TX Cẩm Phả). Thời điểm đó, Mỹ thả bom đạn dữ dội, mùi khói bom khét cả mặt đất. Có người thấy ông hàng ngày chăm sóc con chim thì bực mình nói: "Chết đến nơi còn nuôi chim. Có thân không lo lại cứ lo con chim". Vốn tính hay tự ái lại không thích ai động chạm đến con chim của mình, ông Nhung quyết định tay xách lồng chim, lưng cõng con cùng vợ rời điểm sơ tán Núi Dê đến đồi Khe Sim cách Núi Dê gần chục cây số, rồi tự dựng lán, đào hầm tránh máy bay. Lần hồi, ông cùng vợ con sống qua những ngày tháng chiến tranh ác liệt và vẫn quyết giữ cho được cái nghề của mình. Ông Nhung cũng là người đầu tiên thành lập Hội chơi chim cảnh ở TX Cẩm Phả.
Những giải chọi chim ở TX Cẩm Phả thường thu hút rất đông người đến xem.
Nghề nuôi chim và những được, mất...
Người ta bảo, muốn gắn bó với nghề nuôi chim họa mi thì trước tiên phải có bà vợ cùng tâm huyết với mình. Ông Nhung thổ lộ: "Hạnh phúc nhất của đời tôi là có được người vợ như thế". Hạnh phúc mà ông bà đã bền chặt suốt mấy chục năm qua cũng từ nuôi chim. Bố vợ ông cũng thích nghề nuôi chim và từ nghề nuôi chim mà 2 ông bà nên duyên vợ chồng. Ông Nhung kể: "Hồi đó, nghề nuôi chim họa mi chưa phát triển như bây giờ, muốn chơi chim nhưng chẳng biết mua ở đâu. Tôi phải tự đi bẫy chim về nuôi. Bà vợ tôi sẵn sàng cùng tôi dậy sớm, nắm cơm, leo đồi cùng chồng bẫy chim. Có hôm, chúng tôi đang nằm phục bẫy chim thì một toán người ập đến, tay lăm lăm dao quắm định xông vào đánh vì thấy chúng tôi cứ rình rình, nấp nấp, họ tưởng vợ chồng tôi là người xấu. Sau hiểu ra, tất cả cùng cười xoà". Rồi bà vợ ông lại cùng chồng quyết rời phố phường ồn ào, lên đồi cao khu Lán Ga (phường Cẩm Đông bây giờ) dựng nhà cửa, sinh cơ lập nghiệp, để đáp ứng sở thích nuôi chim của chồng. Ông Nhung bảo: "Thời tôi còn trẻ, đất đai ở Cẩm Phả rẻ lắm, thậm chí có nơi xin cũng có người cho. Tôi cũng đã mua một khu đất khá rộng ở phường Cẩm Trung, nhưng sau lại bán đi. Tôi không thích phố phường, vì ở đó ồn ào, con chim hay giật mình. Ở trên đồi, chim thấy thích hơn". Ngừng một lát, ông cười xoà: "Nếu không vì nghề nuôi chim thì chắc tôi là người giàu rồi. Ngày xưa với nhiều đất như thế, để đến bây giờ bán chắc tôi là tỷ phú. Nhưng bù lại, tôi ở trên này khí hậu thoáng đãng nên mới khoẻ mạnh thế. Cũng từ nghề nuôi chim mà tôi có được bà vợ thật tâm đầu ý hợp. Tôi cũng chẳng mong gì hơn thế".
Nghề nuôi chim đa phần không mang lại lợi lộc gì về kinh tế cho các chủ chim, ngoài việc hàng ngày ngồi thảnh thơi nghe chim hót, hay nhận được giải thưởng mang tính khích lệ mỗi năm một lần từ các giải chọi chim mà không phải ai cũng được. Nhưng được cái tâm hồn thanh thản, quên hết tất cả âu lo trong đời. Để có được con chim hót hay, đấu giỏi không hề đơn giản, phải chọn chim có đôi mắt sáng to, màu sắc phải tươi, da mắt mỏng, khoen mắt là vệt lông nhỏ màu trắng kéo ra phía sau mắt giống cái mày ngài. Luyện tập chim hót cũng là một kỳ công và là bí quyết các chủ chim tự học hỏi rồi tự rút ra kinh nghiệm, vì đôi khi mỗi con chim lại có một tính cách riêng. Thậm chí, có bí quyết rồi vẫn phải mất rất nhiều công sức, thời gian. Do vậy nhiều chủ chim ở Cẩm Phả có những con chim nuôi đến 5-6 năm mà hót vẫn dở. Để sở hữu một con chim hót hay, đá giỏi, nhiều chủ chim phải bỏ ra số tiền vài triệu, có khi vài chục triệu nhưng chưa chắc đã thành công, vì có con chim chỉ mua vài trăm nghìn lại đá rất hăng, thắng cả những con chim hàng triệu kia.
Nghề nuôi chim cảnh ở Cẩm Phả hiện thu hút phần đông là người cao tuổi, đã về hưu. Cái chính là bởi nghề này không mang hiệu quả cao về kinh tế cho chủ chim, trong khi nuôi chim chọi khá tốn kém và phải đầu tư nhiều thời gian. Tuy vậy, ai đã mê thì cũng khó mà dứt ra được với thú chơi tao nhã và công phu này.
Theo vietcanh.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cám tốt quyết định? Chim hay tố chất bản lĩnh? hay tay nuôi kinh nghiệm?
NẾU CẢM THẤY BÀI VIẾT CÓ ÍCH CHO BẠN VUI LÒNG CLICK QUẢNG CÁO ỦNG HỘ TRANG WEB => CẢM ƠN ĐÃ QUAN TÂM <= Hello anh em! lâu lắm rồi tôi...
-
Thông thường các bạn bắt chim họa mi mộc nên lựa chọn: - Đầu: Đầu táo , rộng tảng, trán rộng, cút đầu dài tròn, lông đầu mỏng (nếu là chim g...
-
Chim chào mào phá đuôi hay còn gọi là phá vĩ làm cho đuôi nhìn rất xấu và lúc nào cũng xơ xác như cái chổi trà . Chim phá vĩ cũng có rất nh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét