Mấy năm trở lại đây, trào lưu chơi chim cảnh rộ lên ở nhiều địa phương, Huế cũng không ngoại lệ. Giữa vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, chắc chắn ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn nếu được thả hồn theo tiếng chim hót, phù hợp với tính cách trầm mặc, sâu lắng mà tinh tế của con người xứ Huế. Chính vì vậy, nhiều người đã tìm đến thú chơi tao nhã này. Có người xem chơi chim cảnh chỉ là thú vui, nhưng có người coi đó như một nghề để kiếm tiền.
Chim được bày bán đa dạng tại đường Đinh Tiên Hoàng |
Đi dọc đường Đoàn Thị Điểm và Đinh Tiên Hoàng, bạn sẽ không khó để bắt gặp những người thích chơi chim, cùng đó là đủ loại kiểu lồng chim và nhiều loài chim quý. Lân la vào một quán cà phê ở đường Đinh Tiên Hoàng, bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Thành, một người chơi chim khá sành ở khu vực này mới hiểu được kiến thức về thú chơi tao nhã này. Anh Thành cho biết: “Hiện nay số lượng chim cảnh rất nhiều nhưng người chơi chỉ chia làm 3 loại: chim cảnh, chim hót và chim đá. Chim cảnh được mệnh danh là chim "người mẫu". Chúng có vẻ ngoài "bảnh chọe", dáng vẻ ưa nhìn, bộ lông sặc sỡ, mượt mà. Đại diện cho "phe" này là hoàng yến, yến phụng, thanh tước, hỏa tiễn, chích chòe... Chim hót thì chỉ cần "kêu" hay là được, vẻ ngoài không là yếu tố quyết định để lựa chọn. Tuy vậy, "kêu" hay cũng phải tuân theo những "chuẩn" nhất định nào đó. Ví dụ, với chim gáy, tiêu chí đánh giá tiếng hót tuyệt vời là phải gáy đủ 3 loại tiếng: gáy gọi, gáy trận và chu. Chim hót được chia tiếp thành 2 loại: chim dạy nói (vẹt, nhồng, cưỡng, sáo...) và chim có giọng hót hay (sơn ca, họa mi, khướu, thanh lam, hồng hoàng...).Về chim đá, chích chòe, chìa vôi được mệnh danh là chim võ sĩ. Chúng được chăm sóc, rèn giũa một cách công phu để đá cược. Tuy nhiên, phong trào nuôi chim "võ sĩ" không được phát triển nhiều bởi việc đá cược chim không được pháp luật cho phép.
Tiếp tục tìm hiểu quanh một số tụ điểm chơi chim khác , biết được giá cả các loại chim cảnh trên địa bàn Thừa Thiên Huế rất khác nhau , tùy theo chất lượng (đẹp, hót hay, đá giỏi) của mỗi loại chim mà giá trị của chúng cũng cao thấp khác nhau. Giá một con chim chào mào mới bẩy về có giá 80 đến 150 ngàn đồng. Chim chào mào “đứng lồng” (khi người đến gần chim không hoảng sợ) giao động từ khoảng 200 – 250 nghìn đồng/con; chim chích chòe lửa, chích chòe than bổi mới bẩy về có giá 250 – 300 nghìn đồng/con; chim họa mi, khướu bổi có giá từ 700 – 900 nghìn đồng/con và các loại chim như cu gáy, vành khuyên, sơn ca thì giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm triệu đồng tùy thuộc vào tố chất từng con. Những con có tố chất tốt thường có giá rất cao mà chỉ những người sành chơi mới định giá được.
Anh Tuấn, chủ một của hàng bán chim trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Gần đây phong trào chơi chim rất phát triển nên chim bán rất chạy. Chúng tôi lấy hàng từ nhiều nguồn, nhưng nhiều nhất vẫn là từ những người đi bẫy chim ở các vùng núi như Bình Điền, A Lưới, Phong Điền… và một số tỉnh lân cận. Kinh doanh thế này thôi chứ chủ yếu là thỏa mãn đam mê là chính. Ở đây chim có giá bao nhiêu cũng có từ tiền trăm đến tiền triệu”.
Lý do khiến ngày càng có nhiều người theo đuổi thú chơi chim cảnh bởi nó giúp con người thấy thoải mái hơn. Đặc biệt, chơi chim cảnh giúp người ta kiềm chế được tính nóng nảy của bản thân và tập tính kiên nhẫn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khá nhiều quán cà phê nhỏ vừa kinh doanh cà phê, vừa là nơi gặp gỡ của những người yêu chim. Quán cà phê “Những người thích chơi Chim” ở đường Điện Biên Phủ là một ví dụ. Mặt dù số lượng lồng chim ở đây không nhiều, thế nhưng lại có nhiều người đến để được nghe chim hót. Vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê, vừa lắng nghe tiếng hót thánh thót của những chú chim thật không gì có thể thoải mái hơn. Qua tiếng chim, người sành chơi có thể đánh giá được chú chim đó là như thế nào. Anh Ngọc Duy, hiện đang là nhân viên lái taxi hãng Mai Linh cũng có sở thích chơi chim cho biết: “Để có thể đánh giá được một con chim thì phải căn cứ vào giọng hót của nó là chủ yếu. Mỗi loài cho một giọng khác nhau và tùy thuộc vào sở thích mỗi người mà họ chọn cho mình những con chim ưng ý. Dung mạo của những chú chim cũng khá quan trọng. Nhìn màu lông, sải cánh, vảy chân… người chơi chim có thể biết được “cá tính” của từng con. Đó là những kinh nghiệm lựa chọn chim của những người sành chơi”.
Ngoài việc lựa chọn cho mình một chú chim ưa ý, người chơi chim còn phải lựa chọn cho mình một chiếc lồng phù hợp với chim cũng như tình hình kinh tế của bản thân. Mâu thuẫn lớn nhất của thú chơi chim cảnh chính là lồng nhốt. Chim cảnh thường được nhốt trong lồng nhưng chính yếu tố này lại làm mất "tự do" của chim. Vì vậy, việc thiết kế đặc điểm lồng chim hợp lý sẽ làm giảm mâu thuẫn ấy. Sự phù hợp đó cũng chỉ tồn tại với từng loại chim khác nhau. Nếu là chim sơn ca hay họa mi, người chơi thường làm lồng bằng tre hay gỗ vót nhỏ, lồng cao và mảnh. Còn hồng hoàng, ngọc yến thì dùng lồng thấp và nhỏ hơn. Sáo, két, nhồng, cưỡng... thường được nuôi trong những chiếc lồng có hình quả chuông úp. Ngoài tre và gỗ, vật liệu làm lồng chim có cả đồi mồi và ngà voi. Thường những chiếc lồng tre, lồng sắt có giá từ 150 đến 500 ngàn/cái. Còn những chiếc lồng bằng gỗ có chạm trổ tinh vi có giá từ 2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cái. Người chơi chim có thể mua lồng ngay ở cửa hàng bán chim.
Việc chăm sóc và phòng bệnh cho chim cũng được người chơi quan tâm đặc biệt. Thức ăn của mỗi loài chim là khác nhau. Tuy nhiên, đa số đồ ăn này được bày bán sẵn ngoài chợ. Người sở hữu những chú chim lý thú cần chú ý tắm cho chim, chữa trị cho chúng mỗi khi bị bệnh, chống rét vào mùa đông, chống nắng mùa hè...
Tuy nhiên, điều đáng bàn là khi nuôi chim trở thành phong trào rộng khắp thì kéo theo đó là nạn săn bắt, bẫy chim rừng, nhất là những loài quý hiếm nằm trong sách Đỏ. Người chơi chim trên địa bàn tỉnh đều mong muốn địa phương cần sớm thành lập Hội chơi chim cảnh để giới chơi chim có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức các cuộc thi, bảo tồn, lai tạo các giống chim quý, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Sưu tầm Tien Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét