Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Làm Thế Nào Để Khướu Mau Nổi Lửa?

Chim khướu

Làm Thế Nào Để Khướu Mau Nổi Lửa?
*Khướu hót
Nuôi chim ai lại không muốn chim mình nổi lửa và căng lửa nhỉ? Chim chỉ nổi lửa và căng lửa khi đã thích nghi với môi trường sống mới, được ăn uống điều độ, được nuôi dưỡng hợp lý. Để thúc đẩy quá trình căng lửa của chim, nhiều "lão làng" chọn cách treo gần đó một em Khướu mái, không cho gặp mặt nhau, cách khá xa nhau để khi chim mái "rò" thì chim trống có thể nghe, nếu treo chim mái ngoài vườn còn chim trống ở trước sân gần nhà, nơi có nhiều người qua lại thì càng tốt. Tiếng "rò" của chim mái chỉ nghe thoang thoảng, khi đó mới làm cho Khướu trống "nổi máu", nó sẽ hót nhiều hơn để chinh phục em mái này. Khoảng 1 tuần thì đưa lồng lại gần nhau cho chim "kè lồng", khoảng 3 - 5 phút thì tách ra, treo mỗi lồng một nơi. Làm như vậy chim rất mau sung và căng lửa.
Một số người thỉnh thoảng lại mang chim đi dợt, đến những điểm tụ tập để cho chim hót. Nhưng HCN khuyến cáo việc làm trên, chỉ làm với những con Khướu đã đứng chim và có kinh nghiệm. Chứ chim non hoặc còn thiếu kinh nghiệm, chưa sung mà mang đi như vậy khoảng 3 - 4 lần là chim sẽ xuống sức ngay, có khi chim bị "rót" do nghe giọng hót và "khẹc" của các chim già, có tuổi đời và kinh nghiệm hơn. Chỉ cho chim dợt giọng với những con chim non kinh nghiệm, nên mượn của người quen hay bạn một con khướu, có thể hẹn họ 1 tuần 2 lần mang đến khi sáng sớm, treo 2 lồng xa nhau để nghe hót, đồng thời giúp chim học tập giọng của nhau. Thỉnh thoảng nghe em mái "rò" nữa thì hai ông tướng càng nổi máu hơn.

Có thể dùng điện thoại hoặc máy di động thu lại tiếng chim Khướu hót, để thỉnh thoảng có thể mở ra kích thích Khướu của mình hót.
*Khướu đá
Có thể dùng điện thoại để thu âm giọng Khướu khác hót, mở cho Khướu đá nghe, nếu Khướu sung thì sẽ ức, sẽ "khẹc" liên hồi, má phồng, nhảy liên tục.
Áp dụng như Khướu hót, treo một Khướu mái gần đó, chỉ cho nghe tiếng "rò" của Khướu mái nhỏ thôi, sẽ làm cho Khướu đá nổi lửa nhiều hơn!
Thường xuyên áp lồng gần nhau cho "kè lồng", nên nhìn mặt mà bắt hình dong, chọn những con nào có thể cho "đá lồng" với chim mình, thường xuyên cho đá để sung chim, có thể mang đến những chỗ dợt chim cho nghe chim hót cũng được! Tuy Khướu đá không có tài hót hay và chăm hót như những con Khướu kia, nhưng nhiều con thấy Khướu đá "phồng mang", xòe đuôi, và "khẹc" liên hồi thì Khướu hót im lặng luôn, sau mấy ngày mới hoàn hồn. Hãy lắng nghe những âm thanh mà con Khướu đá phát ra, bạn sẽ thấy sự khác biệt và sự đặc biệt ở nó.Những con như vậy mới có giá trị. Và chính vì thế mà nhiều người nuôi Khướu hót ngại cho chim dợt chung với Khướu đá, trừ những con đã đứng chim hay có tuổi!

Chơi đùa
Nghe có vẻ lạ nhỉ? Có nhiều người nghĩ chơi đùa thường thì với chó, mèo chứ có ai lại chơi đùa với chim đâu? HCN xin thưa, đây có lẽ là lần đầu tiên các bạn ngeh nói đến, nhưng hãy thử làm xem sao nha, trao đổi kinh nghiệm là chính mà. Có lẽ các bạn đã từng xem đoạn video quay về em Khướu Bạc Má của HCN, tại sao khi HCN vẫy tay ở ngoài lồng thì nó lại có thể giăng cánh, xòe đuôi múa như vậy? Tại sao có nhiều người cầm lồng Khuyên trên tay, miệng chỉ cần hót vài tiếng "xiu...xiu..." là chú Khuyên trong lồng bắt đầu líu, thậm chí là nhấp cánh, xòe đuôi? Tại sao HCN có thể đưa tay vào gãi ở cổ nó, và nó thì xù lông để ặc cho HCN gãi? Có thể khó giải thích, nhiều người thì cứ khẳng định là con này nuôi từ chim non lên, nhưng xin thưa, đó là nhờ chơi đùa chới chim!
Vậy trong bao lâu thì có thể làm được những điều trên? Cái này thì hơi khó trả lời, nuôi chim phải có tâm huyết và tốn rất nhiều công sức. HCN có thể hướng dẫn một số cách để bạn có thể áp dụng vào chim Khướu!
1. Khi bạn có một file chim Khướu hót ở di động hoặc máy tính, nên mở cho Khướu nghe vào sáng sớm, khi đó bạn vẫn ở bên lồng Khướu, có thể tập hót tiếng Khướu (đứng gần giúp chim mau quen giọng hót của bạn), nhưng tốt nhất là bạn phát âm "bập... bập...", mím hai môi lại với nhau, cho hở một ít thôi, và hút không khí vào bằng miệng. Hoặc phát âm "bập..bập" như tiếng người ta thường kêu gà đá đến cho ăn vậy. Hoặc vừa phát âm, vừa đưa tay lên vẩy vẩy trước lồng. Nên nhớ những điều trên chỉ áp dụng với những em Khướu khá dạn, phần lớn là sau khi nuôi được 2 tháng. Nghe tiếng chim trong máy vi ính hoặc điện thoại, kết hợp với nghe âm thanh của bạn, nhìn thấy cánh tay bạn vẩy nhẹ, nó sẽ liên tưởng đến một con Khướu khác đang hót và múa, nó sẽ có phản ứng lại ngay, làm như vậy nhiều lần, hãy kiên trì nha. Nếu Khướu bạn đang nuôi mà là Khướu hót thì khi nó thấy bạn vẫy tay và miệng phát ra tiêng "bập...bập..." kia thì nó hót và múa lại là chuyện thường thôi! Thỉnh thoảng mang lồng chim ra phơi nắng cho chim tắm nắng, bạn cũng làm tương tự, làm nhiều nó sẽ thấy quen và "thích" bạn ngay thôi. Theo như HCN đoán thì khoảng 20 - 25 ngày là Khướu sẽ hót và múa khi nghe âm thanh "bập...bâp..." hoặc thấy bạn vẩy vẩy tay và huýt gió. Hãy thử làm xem nha!
Có hôm HCN đi học về, bật điện, mở máy lên làm bài, Khướu thấy đèn sáng, lại thấy HCN, có tiếng nhạc nữa, nó tưởng là HCN định trêu nó, thế là nó hót và múa , khổ cho HCN khi đó là 9h30, có nhiều người ngủ rồi, sợ cả dãy trọ thức giấc hoặc học vài không vào, thế là HCN chụp ngay cái áo phut lên lồng, nó lại mổ liên tục vào áo và...hót! Má ơi, chim hót nhiều cũng....khổ, thế là HCN tính đến phương án cuối cùng, tắt đèn đi...ngủ!
2. Bên cạnh đó, HCN còn hay đùa giỡn với Khướu bằng cách khác. Đưa một ngón tay đến bên nan lồng, mặt bàn tay xuống dưới, móng lên trên, nên nhớ là chỉ một ngón tay đưa vào lông thôi nha. Khướu thấy móng tay nhìn lạ nên nó sẽ ...mổ, khi đó bạn phải nhanh tay rút ngón tay ra. Làm như vậy nhiều lần thì Khướu sẽ "ức", vì toàn mổ...hụt, nhưng thinht thoảng cho nó mổ trúng vài cú nha, khuyến khích nó mà, hi hi hi! Làm như thế sau này nó thấy ngón tay của bất kỳ ai đưa đến gần lồng là nó mổ ngay. Nhìn thấy chim như vậy có "chiến" không? Ai mà không "mê" nhỉ?
3. Làm thế nào để có thể dùng tay gãi ở cổ Khướu? Cái này...hơi khó nhưng mà cũng hơi dễ...bị xổng chim. Hi hi! Dùng một cái que nhỏ, có thể là chiếc đũa đưa quan nan lồng, ban đầu chim thấy lạ nên có khi vùng, nhưng mà phần lớn thì chim đứng im, bạn nhanh tay nhưng nhớ là nhẹ nhành đưa đến bên cổ Khướu, đụng nhẹ vào lông ở cổ hoặc má của Khướu, nó sẽ xù lông lên, khi đó bạn tha hồ mà gãi, vì Khướu bây giờ đang ..."phê" mà! Làm như vậy nhiều lần, nếu làm chưa được thì phải kiên trì nha! Có nhiều trường hợp khi đưa que hay đũa vào là Khướu mổ lấy mổ để vào que đó. Vậy làm sao để gãi nó đây? Bạn hãy dùng tay còn lại của bạn phân tán sự tập trung của nó, có thể bạn đưa ngón tay đến gần phía ngoài cho nó mổ, khi đầu nó đã quay về hướng kia, bạn cho que đó vào đụng nhẹ ở cổ, gãi khaongr 2 - 3 phút thì thôi, ngồi nghỉ một lúc rồi tiếp tục đưa que đó vào, lần này que chưa chạm nó mà cổ nó đã...xù lông chờ sẵn rồi! Hi hi! Làm như vậy để tạo thói quen cho chim!
4. Khi chim quen với việc gãi ở cổ, bạn cho que đó vào, gãi nhẹ, mở cửa lồng từ từ, do Khướu đang "phê" nên nó không chú ý gì đến xung quanh, bạn từ từ đưa tay lại gần cổ nó và thay thế que đang gãi. Khướu thích lắm! Nó thích nhất là gãi ở hai bên má, ở cố gần cánh (bạn gãi ở đây là nó sẽ duỗi cánh ra, xòe đuôi, trông thảm hại lắm), và ở dưới cổ. Cẩn thận kẻo xổng chim nha!
5. HCN thả cửa lồng, cho chim bay ra khỏi lồng chơi, mỗi tuần khoảng 2 - 3 lần. Khi đó tha hồ đùa giỡn với nó, đưa nhẹ tay lại gần, gãi nhẹ ở cổ nó. Do Khướu nuôi quen nên khi đưa lồng đến gần là nó tự nhảy vào, nhìn nó nhay lóc cóc, lại hay phá phách, mổ lung tung nhưng mà HCN thích. Có bữa đi học về muộn (7h15 tối), mới mua được 1 hộp cơm, thế là thả nó ra, ai ngờ nó bay lên tranh ăn với "cậu chủ", thế có bực mình không chứ? Bực thì có nhưng mà cũng thấy vui!Hi hi!
Lưu Ý : Khuyến cáo những cách đùa trên với những ai mới bước vào nghề chơi Khướu. Nhưng những ai muốn thử sức thì có thể làm. Chơi đùa chỉ áp dụng với những con đã nuôi đứng chim, cách 1 và 2 và 3 thì có thể làm dễ dàng, nhưng cách 4 và 5 thì hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định nha! Nên đóng kín cửa phòng lại và thả Khướu ra để thử xem Khướu có mến người chưa, khi Khướu đói thì sẽ bay vào lồng thôi! Hạn chế việc đi theo Khướu, kẻo Khướu sợ hãi! Cứ để Khướu tự do, một lúc sau đưa lồng lại gần xem Khướu có tự vào không, nếu Khướu tự vào, người đến bên cạnh mà không bay tránh xa thì khi đó Khướu đã mến, có thể cầm cáo cào để đút cho Khướu, hoặc dùng que gãi nhẹ ở cổ Khướu, tăng mối quan hệ thân thương giữa Khướu và chủ!
Có lẽ phần trước HCN đã cho các bạn biết về những điều cơ bản để chọn và nuôi được một chú chim Khướu, đó chỉ là kinh nghiệm riêng của HCN thôi, và hôm nay, như đã hứa, HCN xin được nói thêm vài điều về loài chim này.
Do Khướu thích sống ở nơi cây bụi, vắng bóng người, gần khe suối hay nơi nào có nước chảy, vì thế những người bẫy Khướu thường phải vào sâu trong rừng. Đã có nhiều cuộc tranh luận nói Khướu sống theo từng đôi hay nói Khướu sống theo bầy đàn. HCN xin nói rõ về điều này, thường thì người ta thấy Khướu sống theo từng đôi vào mùa sinh sản, và những đôi Khướu này thường được nhìn thấy tại bìa rừng hay những vườn cây ăn quả rậm. Chúng ta chỉ nhìn thấy Khướu sống theo bầy đàn khi đi sâu vào trong rừng cơ, hết 90% tay săn chim thích bẫy Khướu bầy đàn, vì nếu bẫy được con đầu đàn thì mới là Khướu "dữ", nuôi mới thích. Nhưng cũng đã có rất nhiều Khướu "mồi" đã phải câm giọng, đứng rụt cổ, nhìn như thiếu sức sống trước những con chim đầu đàn thuộc loại "dữ". Muốn bẫy được Khướu đầu đàn thì chuyện này không phải là dễ, vì nó giống như một người chỉ huy vậy, đứng ở một nơi cao hơn và hót, khẹc... như ra lệnh cho những con khác tấn công vào "kẻ mới đến" kia. Và phần nhiều là những tay săn chim đàn bẫy toàn chim "mái", vì bọn mái này hay bay đến tán tỉnh kẻ lạ, và dính bẫy là chuyện thường thôi. Thậm chí họ bỏ ra cả 1 tuần mà không bẫy được con đầu đàn, chỉ mang về mấy em Khướu mái, thế mới...bực mình. Điều đó lí giải tại sao chim dữ lại không được bán công khai ở ngoài, và vì sao giá chim Khướu dữ lại cao hơn gấp 2 - 3 lần giá Khướu bổi thường.
Vì thế HCN mới khuyên mọi người nên tìm và chơi thân với những người nào hay đi bẫy chim, vì nếu là chim hay, chim dữ thì người đi bẫy họ biết và họ đã để riêng ra, tách biệt so với những con khác rồi.

Vậy làm sao để có thể bẫy được chim đầu đàn? Cái này là kinh nghiệm riêng của từng người, có thể dựa trên một số điều mà HCN chuẩn bị nói ra sau đây, kết hợp với tình hình thực tế của các bạn đi bẫy chim để rút ra một kết luận, một nhận xét để làm phong phú vốn kiến thức về chim Khướu! Nếu hôm nay bạn đưa Khướu đi bẫy thì có nghĩa là trước đó vài ngày chim mồi của bạn phải sung sức, háu chiến, đi phân rắn..., nên sang Khướu sang lồng bẫy trước ngày đi bẫy khoảng 1 - 2 ngày để Khướu thích nghi với không gian chật hẹp trong lồng bẫy. Nếu là Khướu nuôi lâu, đi bẫy thường xuyên thì có thể trước khi đi 10 phút bạn sang chim qua lồng bẫy là được, vì nếu đi bẫy thường xuyên thì chim rất "chiến", nhìn thấy lồng bẫy là nó tìm cách chui sang liền. Nếu chim của bạn vẫn "chiến" mà lồng chỉ dính vài em Khướu mái thì bạn nên nghỉ ngơi khoảng 1 tuần, rồi mới mang chim đi bẫy lại, những người máu bẫy chim thấy không bẫy được con chim đầu đàn hôm nay là hôm mai họ quyết bẫy cho bằng được. Nhưng họ đâu có nghĩ rằng trên đường đi đến nơi bẫy, chim ở trong lồng cũng rất mệt mỏi, và nếu như bạn kéo dài tình trạng này qua ngày thứ 3 thì chim của bạn sẽ mau xuống sức, không chiến, ít hót... Nếu gặp Khướu đầu đàn thuộc loại dữ thì chim Khướu mồi bị "rót" hay bị "bể" là chuyện thường. Chính vì thế HCN mới khuyên các bạn nên nghỉ ngơi vài ngày, tốt nhất là 1 tuần, để chim lấy lại sức, và nó sung chim (thường thì vài ngày sau khi đi bẫy về, chim rất sung). Như vậy tạo điều kiện cho bạn dễ bẫy được chim đầu đàn hơn.
Nếu có đi lần 2 thì nên mang theo 1 em Khướu khác nữa, và đặc biệt muốn không bị "dính" Khướu mái thì nên treo lồng lên khá cao một tí, có thể trèo lên cây để treo, và hãy chú ý đến những cành cây gần đó, làm sao để khi chim đến gần là sẽ nhảy sang cầu của lồng bẫy, tránh tình trạng có cành cây sát gần lồng, khi đó chim "trời" sẽ bay đến đậu và "kè" chứ không đá. Nên quan sát địa thế của cây mà mình dự định treo lồng, nên treo lồng cách xa nơi mà tuần trước mới bẫy, để tránh tình trạng Khướu đầu đàn đậu vào cành hôm trước. Có thể dùng một số lá cây để ngụy trang lồng bẫy, sao cho Khướu "mồi" có thể thấy Khướu trời, và Khướu trời muốn thấy Khướu "mồi" thì phải đậu ở các cành phía trên lồng, nếu Khướu "nổi máu" thì sẽ di chuyển xuống cầu của lồng bẫy. Ngụy trang để tránh tình trạng Khướu bám lồng đá, giúp cho việc bẫy Khướu thuận tiện hơn. Nên nhớ phủ lá sao cho Khướu "mồi" có thể nhìn rõ bên ngoài, và Khướu trời muốn thấy Khướu mồi phải đậu vào những cành ở trên lồng. Điều này HCN nhấn mạnh nha!
Sau khi bẫy được, có thể là Khướu đầu đàn hay Khướu "lính", nói chung là khẳng định Khướu trống thì có thể giữ lại nuôi. Có nhiều Khướu "lính" ở ngoài thì không "chiến" do chim còn tơ, nhưng nuôi một thời gian thì nó mới bắt đầu trổ mã và xổ giọng. Vì thế đừng vội khẳng định một em Khướu mới bẫy về là chim hay hay dỡ nha! Nên thả Khướu mới bẫy được vào một cái lồng gỗ (nếu lồng sắt thì Khướu nhát sẽ chui, chảy máu và chim lâu dạn người). Nên dùng một mảnh vài phut lên lồng, sao cho ánh sáng vẫn có thể vào lồng, đủ để chim nhìn thấy thức ăn và nước uống, thức ăn thì nên để ít bột, thả vào đó vài em cào cào tươi và khô, đổ đầy nước, phía dưới lồng nên để một tấm lót, để có thể quan sát và theo dõi phân, để biết được chim đã ăn bột hay chưa. Nên treo lồng ở nơi nào khuất, im lặng, đặc biệt là hạn chế cho Khướu mới nghe tiếng Khướu hót, vì có nhiều con nghe tiếng hót, ức nên nhảy loạn xạ, có thể do sung sức, cũng có thể là hoảng loạn sau cú dính bẫy vừa rồi, gây ốm chim hoặc chết chim, thậm chí Khướu vùng mạnh có thể làm gãy nan lồng, xẩy chim là...tiếc lắm nha!
Nếu sau một thời gian nuôi, khi Khướu bắt đầu xổ giọng là khi bạn có thể tập cho Khướu dạn người. Bạn nên áp lồng vào tường, nơi nào có người hay qua lại, nhưng hơi xa một tí để chim đỡ sợ. Và nên định hướng xem con Khướu mình đang nuôi với mục đích chính là gì? Nếu nuôi hót thì huấn luyện nó theo kiểu Khướu hót, còn nếu Khướu chọi thì sẽ có cách tập luyện riêng.
*Khướu Hót
Thường thì Khướu hót được mọi người thích nuôi hơn. Phần trước đã nói rõ nên phần này HCN chỉ nói qua thôi. Bạn có thể tập và chơi đùa với nó. Nhưng HCN nghĩ bạn nên tập huýt sáo (huýt gió) bắt chước giọng của nó!Mỗi khi cho Khướu ăn cào cào thì bạn nên huýt gió vài cái, hãy chú ý đến chon Khướu bạn đang nuôi khi hót, sẽ có một giọng hót nó thường hay hót, và bạn nên bắt chước cho được giọng hót đó của nó! Vì khi nghe giọng hót đó do bạn bắt chước thì nó sẽ hay hót hơn. Thường xuyên treo lồng ở nhiều nơi, có chế độ tắm nước và tắm nắng thích hợp. Nhưng bạn nên treo lồng ở nhiều vị trí, đặc biệt là treo dưới các tán cây mát. Ban đầu nó thấy "nhớ" rừng nên nhảy nhiều, nhưng sau sẽ quen dần và hót. Làm như vậy để sau này mỗi khi bạn treo Khướu ra là nó thích nghi với cảnh mới, sau này có thể huấn luyện thành một chú Khướu "mồi". Khi bắt chước giọng hót của nó, nên vẫy nhẹ tay ở trước lồng, sau này Khướu quen với việc đó thì nó sẽ múa nhiều hơn.
*Khướu Đá
Vì mục đích là chọi nên điều trước tiên cần chú ý là tìm cho nó một cái cầu (nèo) vừa chân nó, to vừa phải. Thường xuyên cho kè lồng với những con khướu khác, sáng sớm nên treo lồng ra để chim thích nghi với việc dậy sớm. Thỉnh thoảng bật máy di động hoặc máy vi tính phát ra tiếng hót của chim Khướu, cách này làm cho Khướu sung hơn. Khi Khướu sung chim thì bạn thò tay vào lồng là nó sẽ mổ ngay, thậm chí xòe lông đuôi, phồng má lên để "hù" bạn nữa. Bạn có thể gõ nhẹ vào nan lồng, hay thò tay vào để chọc giận nó, hoặc gõ nhẹ vào thành lồng, tiếng hót và tay của bạn làm cho nó nghĩ đến một con Khướu khác, nó sẽ nhảy đến đá vào tay bạn ngay. Thỉnh thoảng áp sát hai lồng lại gần nhau cho Khướu bám lồng đá, làm như vậy Khướu mau sung hơn. Nhớ cho ăn uống đầy đủ chất tanh.
*Áp dụng cho Khướu hót và Khướu đá:
Khi cho Khướu ăn cào cào, nên cầm cào cào trên tay để Khướu tự nhảy đến mổ ăn, tránh tình trạng thả cào cào vào lồng hay lu thức ăn. Để tập cho chim tăng thêm sự hung hãn, thích đá, hót nhiều...thì bạn có thể đưa cào cào vào lồng, cầm trên tay, nhưng khi Khướu nhảy đến gần thì bạn giật con cào cào đó lui, nó sẽ "nổi điên" lên ngay thôi, có thể cho nó cắn cào con cào cào, sau đó bạn giằng co với Khướu, cùng nhau giành lấy con cào cào đó. Có thể không tin nhưng hãy làm thử và rút ra kết luận nha! Chỉ áp dụng với những con Khướu dạn người. Nếu thời gian bạn ở bên Khướu càng nhiều và đùa giỡn với nó thì chim càng mau dạn và càng quấn quýt bên bạn nhiều hơn, tiện cho việc bạn nuôi Khướu thả hơn.
Sưu tầm Tien Nguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám tốt quyết định? Chim hay tố chất bản lĩnh? hay tay nuôi kinh nghiệm?

NẾU CẢM THẤY BÀI VIẾT CÓ ÍCH CHO BẠN VUI LÒNG CLICK QUẢNG CÁO ỦNG HỘ TRANG WEB => CẢM ƠN ĐÃ QUAN TÂM <= Hello anh em! lâu lắm rồi tôi...